Saturday, March 3, 2007

Trả lời phỏng vấn Free News Agency(FNA)

Tường trình của FNA từ Hà Nội:

Chính quyền cộng sản Việt Nam điên cuồng đàn áp luật sư Nguyễn Văn Đài.

Hơn một tháng qua, chính quyền cộng sản Việt Nam đã điên cuồng tìm mọi cách để đàn các nhà dân chủ ở Việt Nam, mở đầu là ngày 3-2-2007, an ninh cộng sản tấn công bất hợp pháp vào Văn phòng luật sư Thiên Ân trong khi luật sư Lê Thị Công Nhân đang giúp cho một số sinh viên tìm hiểu về nhân quyền. Ngay trong đêm 3-2 an ninh cộng sản tiến hành khám xét Văn phòng, thu giữ tài sản và tài liệu của cá nhân luật sư Nguyễn Văn Đài. Chiều ngày 4-2 an ninh cộng sản tiến hành khám nhà luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân, thu giữ tài sản và tài liệu của cá nhân hai luật sư. Những ngày tiếp theo an ninh cộng sản liên tục triệu tập để thẩm vấn hai luật sư.

Dưới sức ép của an ninh cộng sản, ngày 10-2-2007, Ban chủ nhiệm và đại diện Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư Hà Nội đã mời luật sư Nguyễn Văn Đài đến làm việc vào ngày 12-2-2007. Hôm đó luật sư có hẹn bác sĩ từ trước nên không tới.

An ninh cộng sản cũng đã gây sức ép với Phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội để ra quyết định và thông báo thông thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Dịch thuật và Tư vấn Việt Luật vào ngày 28-2-2007, ông Nguyễn Văn Đài là một thành viên sáng lập và là giám đốc điều hành của công ty.

Ngày 1-3-2007, Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư Hà Nội viết giấy mời lần 2 để mời luật sư Nguyễn Văn Đài đến làm việc vào ngày 12-3-2007.

Phóng viên của FNA đã gặp luật sư Nguyễn Văn Đài để tìm hiểu quan điểm của ông về những sự việc đã và đang diễn ra với cá nhân ông.

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết ông là luật sư thuần tuý hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo, trong đó ông có quan hệ và giúp đỡ pháp lý cho hầu hết các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, điều này làm cho chính quyền cộng sản hết sức tức giận, trong cả năm 2006 không biết bao nhiêu lần họ triệu tập để thẩm vấn, họ cho người theo dõi, giám sát thường xuyên, điện thoại, internet thường xuyên bị cắt, ông cũng nhớ nổi mình đã bị cắt bao nhiêu số điện thoại, gần đây nhất ngày 23-2-2007, họ đã cắt cùng lúc 6 số máy điện thoại của Công ty và nhân viên.

Về việc an ninh cộng sản đang điều tra ông theo điều 88 Bộ luật hình sự, ông cho biết tất cả những tài liệu mà an ninh cộng sản thu giữ tại nhà riêng và trụ sở của Văn phòng luật sư đều là tài liệu có trên mạng internet toàn cầu, ai cũng có thể có được. Hiến pháp Việt Nam qui định công dân có quyền được thông tin, do vậy ông cũng như những người Việt Nam khác đều có quyền tiếp cận những thông tin nó, có quyền lưu trữ để nghiên cứu mà không hề vi phạm pháp luật. Theo tinh thần của điều 88, thì chỉ những người nào sử dụng các tài liệu đó nhằm mục đích chống lại nhà nước tức là chống lại các cơ quan trong hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp bằng hình thức kêu gọi bạo động hay vũ trang bất hợp pháp thì mới coi là vi phạm. Còn sử dụng những tài liệu đó với mục đích đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền nhằm mục đích xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì nên được nhà nước khen thưởng.

Về việc phòng đăng ký kinh doanh(ĐKKD) ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Dịch thuật và Tư vấn Việt Luật, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết phòng ĐKKD đã nhầm lẫn khi cho rằng Công ty của ông kinh doanh các tài liệu đó. Khoản 3 điều 7 Luật doanh nghiệp qui định: “ Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường”. Ở đây thứ nhất Công ty của luật sư Đài không kinh doanh các tài liệu có nội dung đó, thứ hai là chưa có kết luận của cơ quan nào nói rằng những tài liệu thu giữ tại trụ sở Công ty là có nội dung chống nhà nước Việt Nam. Theo luật sư Nguyễn Văn Đài những tài liệu đó là về nhân quyền và dân chủ và quan trọng hơn các tài liệu đó là của cá nhân ông, không phải của công ty. Khi nói đến kinh doanh thì phải có hoạt động mua bán trao đổi, nhưng ở đây công ty của ông Đài không làm việc đó, an ninh cộng sản không chứng minh được việc đó.

Luật sư Đài cho biết thêm, công ty của ông có một người quốc tịch Mỹ gốc Việt đầu tư, cho nên ông sẽ đề nghị chính phủ Mỹ can thiệp vào việc này vì liên quan đến công dân của họ đầu tư vào Việt Nam. Từ việc chính quyền cộng sản muốn đàn áp một công dân Việt Nam đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền, họ đã xâm phạm đến công việc đầu tư, kinh doanh của người nước ngoài mà ở đây là công dân Hoa Kỳ. Do vậy, chính quyền cộng sản sẽ gặp rắc rối trong chuyện này.

Về việc Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư mời lên làm việc. Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết rằng từ lâu cộng sản Việt Nam đã nhiều lần muốn xoá bỏ chữ luật sư đi kèm với tên tuổi của ông, phía đoàn luật sư luôn nói ông dùng danh nghĩa luật sư để làm những công việc không đúng. Nhưng họ không hiểu rằng ông còn là thành viên của nhiều tổ chức luật sư quốc tế như Advocates International Association( Hiệp hội luật sư Cơ Đốc Quốc tế), Advocates Asia( Hội luật sư Cơ Đốc Châu Á) nên không nhất thiết ông phải sử dụng danh nghĩa là thành viên của Đoàn luật sư Hà Nội. Cho dù ông không là thành viên của Đoàn luật sư Hà Nội thì danh nghĩa luật sư vẫn gắn với ông suốt cuộc đời.

Khi được hỏi là luật sư có chuẩn bị tinh thần nếu chính quyền cộng sản gây sức ép buộc Đoàn luật sư Hà Nội khai trừ ông ra khỏi Đoàn không? Luật sư Đài cho biết là ông đã nghĩ đến điều đó từ khi dấn thân vào hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Ông nhấn mạnh rằng chừng nào Việt Nam chưa có tự do, dân chủ thì bản thân ông cũng không thể hành nghề luật sư để kiếm tiền được, ông sử dụng nghề nghiệp của mình chủ yếu để giúp cho bà con dân oan và lên tiếng bênh vực cho những người hoạt động tôn giáo và các nhà dân chủ khi họ bị sách nhiễu.

Luật sư Đài nói tiếp: “ Dường như chính quyền cộng sản đang nỗ lực đào luyện và thúc đẩy tôi trở thành một người hoạt động chính trị chuyên nghiệp, họ không muốn tôi hoạt động như một luật sư chuyên về nhân quyền và tự do tôn giáo.”

Khi được hỏi là luật sư sẽ làm gì khi ông không còn Văn phòng luật sư để hành nghề và công ty để kinh doanh. Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết: Trước hết tôi sẽ tranh đấu đến cùng để bảo quyền tự do kinh doanh và quyền hành nghề luật sư của mình. Trong trường hợp chính quyền cộng sản bất chấp pháp luật để tước quyền kinh doanh và hành nghề luật sư của tôi, tôi đã có nhiều phương án để lựa chọn, nhưng có lẽ tất cả mọi người kể cả những người cộng sản đều đang muốn tôi trở thành một chính trị gia để vận động quần chúng và đấu tranh trực tiếp cho công cuộc dân chủ hoá Việt Nam. Trong thâm tâm tôi luôn muốn mình chỉ là một luật sư nhân quyền, nhưng có lẽ hoàn cảnh lịch sử không muốn như vậy. Tôi còn đủ thời gian để cầu nguyện xin Thượng Đế soi sáng cho tôi trong quyết định cuối cùng. Dù tôi sẽ làm gì thì tôi luôn mong muốn nhận được sự cổ vũ và ủng hộ của nhân dân trong nước, đồng bào hải ngoại và cộng đồng quốc tế. Cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của nhân dân Việt Nam còn dài và sẽ trải qua nhiều khó khăn, nhưng đó là con đường chân lý và chính nghĩa, sẽ được nhân dân trong nước đồng lòng ủng hộ và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nên nhất định sẽ thắng lợi.”

Phóng viên FNA thực hiện ngày 3 tháng 3 năm 2007.

Thursday, March 1, 2007

Trả lời phỏng vấn Đài Chân Trời mới ngày 2-3-2007

Chân Trời mới:

Dạ thưa LS Nguyễn Văn Đài, trước hết xin LS cho biết vài cảm nghĩ về những cuộc đình công của người lao động Việt Nam dồn dập xảy ra tại Việt Nam từ cuối năm 2005 và kéo dài sang 2006? Và theo LS thì những sự kiện trên nói lên được điều gì về thực trạng xã hội, bối cảnh chính trị và đời sống của người lao động Việt Nam hiện tại?


LS Nguyễn Văn Đài:

Thưa chị Nguyệt Như, vào những tháng cuối năm 2005 và đầu năm 2006, khi biết tin hàng trăm nghìn công nhân trên cả nước đình công để đòi hỏi việc tăng lương, nâng cao đời sống của họ. Tôi thực sự buồn trước việc các tổ chức công đoàn của đảng cộng sản đại diện cho quyền lợi của người lao động, một số tổ chức công đoàn thì thông đồng với giới chủ để bóc lột người lao động, một số thì bất lực để giới chủ bóc lột các thành viên của mình. Đó là sự yếu kém của các tổ chức công đoàn do đảng cộng sản lãnh đạo. Sự yếu kém đó đã làm cho cuộc sống của hàng trăm nghìn người công nhân và gia đình của họ vô cùng khổ cực, họ phải làm việc vất đến 12 giờ một ngày mà không đủ sống. Cuộc sống khổ cực của người công nhân đồng nghĩa với việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền của đảng cộng sản ở địa phương, một đảng mà lúc nào cũng nhân danh là đại diện của tầng lớp công nhân và nhân dân lao động. Nhưng thực chất thì họ chỉ lo cho lợi ích của bản thân và đồng đảng của họ. Đó là thực trạng đã sảy ra ở Việt Nam vào thời điểm đó.

Chân Trời mới:

Đối với luật lao động Việt Nam năm 1994, được tu chính năm 2002, thì theo LS đánh giá, trên mặt lý thuyết có những điểm gì đáng nói? Còn về thực hành thì như thế nào? Luật sư có nghĩ là luật lao động này sẽ được tôn trọng và bảo vệ không?

LS Nguyễn Văn Đài:

Trong cả hệ thống pháp luật của Việt Nam thì Bộ luật lao động được đánh giá là có tiến bộ nhất, gần sát với chuẩn mực quốc tế, trừ những qui định liên quan đến quyền đình công của người công nhân. Bởi chính quyền cộng sản sợ rằng việc sảy ra các cuộc đình công sẽ ảnh hưởng đến ổn định chính trị của họ. Do vậy những qui định về thủ tục đình công hết sức khắt khe, đến mức người công nhân không thể thực hiện đúng thủ tục được. Nên khi tổng kết về tính chất hợp pháp các cuộc đình công trong năm 2005 và 2006 thì có đến trên 95% các cuộc đình công là vi phạm luật.

Trên thực tế, các cuộc tranh chấp lao động sảy ra mà được toà án giải quyết, thường thì phần thắng nghiêng về phía người lao động. Chỉ một số ít vụ do có vấn đề tiêu cực của toà án mà người lao động đã bị thiệt thòi quyền lợi.

Chân Trời mới:

Xin LS cho biết vai trò của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam trong trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam? Người lao động Việt Nam có nên trông cậy gì vào Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam không, thưa LS?

Nguyễn Văn Đài:

Theo luật công đoàn năm 1990 của Việt Nam thì có đến 10 Điều qui định về quyền và trách nhiệm của công đoàn. Trong đó có những quyền như để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam(TLĐLĐVN) có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội. Như vậy TLĐLĐVN có rất nhiều quyền lực để bảo vệ cho người lao động, nhưng trên thực tế, họ không làm được bao nhiêu công việc. Quyền lợi của người công nhân vẫn bị xâm phạm ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Người công nhân không thể trông cậy vào TLĐLĐVN, họ cần phải đấu tranh để dành quyền tự do thành lập lên tổ chức Công đoàn của riêng họ, để bảo vệ cho quyền và lợi ích của chính họ.

Chân Trời mới:

Theo LS thì hiện nay có bao nhiêu công đoàn đang thật sự hoạt động độc lập? Họ có đạt được thành quả gì đáng kể không? Họ có bị đàn áp không? Và nếu như chế độ chưa ra tay đàn áp họ như các tổ chức đấu tranh khác thì tại sao vậy?

LS Nguyễn Văn Đài:

Hiện nay ngoài TLĐLĐVN thì chỉ có một tổ chức Công đoàn Độc lập vừa được thành lập tháng 10 năm 2006. Hiện nay Công đoàn Độc lập chưa có hoạt động nào đáng kể từ khi được thành lập do khó khăn về tài chính, cũng như sự kiểm soát gắt gao và sách nhiễu của chính quyền cộng sản. Công đoàn Độc lập chưa bị một chiến dịch đàn áp qui mô nào, có lẽ là do CĐĐL chưa có hoạt động chính thức, hiện nay CĐĐL đang trong quá trình huấn luyện cán bộ công đoàn.

Chân Trời mới:

Trong vai trò là một người hiểu rõ pháp luật Việt Nam thì những người như luật sư có thể làm gì để giúp cho người lao động Việt Nam? Và làm thế nào để nhiều người trong cùng lãnh vực chuyên môn như luật sư quan tâm hơn đến việc bảo vệ người lao động nói riêng và pháp luật tại Việt Nam nói chung?

LS Nguyễn Văn Đài

Văn phòng luật sư của tôi thường xuyên tư vấn giúp cho người lao động và cử luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ trước toà án. Những vụ việc chúng tôi tham gia hầu hết quyền lợi của người lao động đã được bảo vệ. Bởi người lao động rất nghèo nên đa phần là chúng tôi tư vấn miễn phí cho họ. Do đó cũng rất khó để các luật sư khác tham gia tư vấn cũng như bảo vệ miễn phí cho người lao động. Thường các luật sư thích bảo vệ cho bên giới chủ, bởi họ có tiền trả phí cho luật sư.

Chân Trời mới:

Theo LS dự đoán thì phong trào đấu tranh của người lao động trong năm 2007 sẽ như thế nào so với năm 2006? Và những người quan tâm cần phải làm gì để đưa phong trào đấu tranh đi lên, thưa luật sư?

LS Nguyễn Văn Đài:

Theo thông tin từ báo chí trong nước, thì trong năm 2007 lương của người lao động ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không tăng. Trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu cho đời sống của người lao động tăng nhanh, do vậy đời sống của người lao động sẽ tiếp tục bị khó khăn. Nếu không cải tiền lương thì cuối năm 2007 sẽ lại có các cuộc đình sảy ra trên qui mô cả nước.

Công đoàn Độc lập là một tổ chức độc lập với đảng cộng sản, trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Do vậy để giúp cho phong trào đấu tranh của người lao động đi lên thì CĐ ĐL rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ về mọi mặt của cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Chân Trời mới:

Theo LS thì những yếu tố căn bản nào cần phải có trong một thể chế chính trị để quyền lợi của người lao động nói riêng và toàn thể dân chúng nói chung được tôn trọng và bảo vệ một cách đúng đắn và hợp pháp?

LS Nguyễn Văn Đài:

Để cho quyền lợi của người lao động nói riêng và của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ một cách đúng đắn và hợp pháp thì điều đầu tiên phải xây dựng lên một Nhà nước có thiết chế dân chủ, trong đó người dân có quyền tự do lựa chọn người đại diện cho mình thông qua một cuộc bầu cử tự do, dân chủ, đa đảng và công bằng. Từ đó người dân sẽ có quyền tự do thành lập lên các tổ chức, đảng phái để bảo vệ quyền lợi cho chính họ.

Chân Trời mới:

Trong một chính thể mà nhà nước đàn áp luôn cả những người bảo vệ luật pháp như luật sư chỉ vì lên tiếng phản đối sự vi phạm pháp luật của họ, như đã xảy ra trong những ngày qua, thì làm sao để bảo đảm luật pháp và hiến pháp được thi hành đúng đắn, thưa LS?

LS Nguyễn Văn Đài:

Trong chế độ độc đảng cộng sản cầm quyền thì hiến pháp và luật pháp không bao giờ được thi hành đúng đắn. Chính quyền cộng sản sẵn sàng dẫm đạp lên pháp luật để đàn áp người dân khi họ có tiếng nói phản đối những bất công trong xã hội do chính chế độ cộng sản đó gây ra. Vì vậy chỉ có một con đường duy nhất là dấn thân mình vào công cuộc đấu tranh cho tư do, dân chủ và nhân quyền. Xây dựng lên một Nhà nước dân chủ đa đảng, trong đó mọi đảng phái, tổ chức chính trị và mọi người dân đều bị cai trị bởi luật pháp. Đó là giải pháp duy nhất để cho công lý được thực thi ở Việt Nam.

Wednesday, February 28, 2007

Trả lời phỏng vấn Đài VOA

Giới hữu trách Việt Nam đã quyết định khởi tố Linh mục Nguyễn Văn Lý, một tu sĩ Công giáo bất đồng chính kiến, về tội gọi là “Tuyên truyền chống nhà nước.”

Tường thuật của các hãng thông tấn AFP, AP và Reuters hôm thứ hai trích thuật tin tức của các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam nói rằng: ngoài việc quyết định khởi tố vụ án nhắm vào Linh mục Nguyễn Văn Lý, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng đã quyết định thực hiện điều mà họ gọi là “thay đổi nơi quản chế hành chánh đối với bị can Lý.”

Nguồn tin của các nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam cho biết mới đây, vị Linh mục năm nay 59 tuổi này đã bị công an đến bắt tại Nhà Chung của Giáo Phận Huế và áp giải tới Nhà Thờ Bến Củi, một họ đạo bị cô lập nằm cách thành phố Huế khoảng 20 km.

Các nhân vật đối kháng nói rằng việc thuyên chuyển một linh mục Công giáo là quyền hạn của giám mục, nhưng Linh mục Lý đã bị đưa đi nơi khác mà không có sự chấp thuận của vị giám mục địa phận Huế.

Bản tin hôm chúa nhật của một hãng tin trên mạng ở Việt Nam cho biết: Linh mục Lý đã tuyên bố tuyệt thực cho đến ngày 26 tháng 3 năm 2007 và ông thanh thản chờ đợi lần thứ 3 đối diện với Tòa án của chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Theo tố cáo của nhà cầm quyền Hà Nội: Linh mục Nguyễn Văn Lý, người mà họ gọi là “đang phải chấp hành lệnh quản chế hành chánh tại chỗ sau khi được đặc xá hồi đầu năm 2005”, đã “cấu kết với những phần tử phản động trong và ngoài nước để chống đối nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.”

Tin của Thông Tấn Xã Việt Nam và đài truyền hình VTV1 ở Hà Nội nói rằng Linh mục Lý đã lôi kéo ông Nguyễn Phong và một số người khác thành lập Đảng Thăng Tiến, sau đó cùng với Đảng Vì Dân ở hải ngoại thành lập “Liên Đảng Lạc Hồng” và dự định tổ chức công khai hóa đảng này vào đêm giao thừa Tết Đinh Hợi.

Báo chí Việt Nam cũng xác nhận vụ trấn áp nhắm vào Linh mục Lý hôm 18 tháng 2 và cho biết rằng: khi tiến hành kiểm tra hành chánh nơi ở của Linh mục Lý, công an đã “thu giữ 6 máy tính, sáu máy in, hàng chục điện thoại kết nối internet, trong đó có 136 sim điện thoại di động và hơn 200 kg giấy tờ, tài liệu.”

Theo các cơ quan thông tấn quốc tế, vụ trấn áp Linh mục Nguyễn Văn Lý diễn ra trong lúc Hà Nội và Tòa thánh Vatican đang thảo luận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong vài năm gần đây, có dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa đôi bên đã bớt căng thẳng và tháng giêng vừa qua thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được Đức giáo hoàng Benedicto 16 tiếp kiến.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vị tu sĩ bất đồng chính kiến này đã bị giới hữu trách Việt Nam bắt giữ sau khi gởi thư điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2001.

Ông bị tuyên án 15 năm tù về tội gọi là “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân”, nhưng được thả ra khỏi tù trong đợt đặc xá hồi tháng 2 năm 2005. Trước đây, đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội vẫn thường xuyên theo dõi sự đối xử của giới hữu trách Việt Nam đối với Linh mục Lý, nhưng hôm thứ hai, các giới chức sứ quán đã từ chối bình luận về những diễn tiến mới này.

Bên cạnh vai trò là một nhà lãnh đạo tinh thần của Đảng thăng tiến và Liên đảng Lạc Hồng. Linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý còn là thành viên của một phong trào dân chủ được thành lập ở Việt Nam hồi tháng Tư năm ngoái, có tên là Khối 8406.

Mới đây, một thành viên của khối này ở Hà Nội, luật sư Nguyễn Văn Đài đã dành cho Ban Việt Ngữ đài VOA cuộc phỏng vấn sau đây. Xin mời quí vị bấm vào đường dẫn sau đây để nghe hoặc tải xuống bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Đài:

Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả VOA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài VOA thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi sử dụng.

VOA: Như luật sư vẫn biết thì lâu nay chính quyền Việt Nam vẫn thường xuyên lục soát nhà cửa của các nhân vật tranh đấu cho tự do dân chủ ở trong nước, nhưng hầu như không có vụ nào được báo chí nhà nước loan tin. Nhưng lần này thì vụ lục soát nơi cư ngụ của linh mục Nguyễn Văn Lý được các cơ quan Việt Nam loan tin rất rộng rãi, ngay cả trên truyền hình cũng có loan tin. Luật sư có nhận xét như thế nào trước sự kiện này.

Ls Nguyễn Văn Đài: Theo đánh giá của cá nhân tôi thì qua sự việc họ bắt giữ một số thành viên của đảng Thăng Tiến tại Huế, trong đó có Nguyễn Phong là trưởng đại diện. Sau nhiều ngày thẩm vấn và sau khi họ cho anh xem cuốn băng video về việc khám xét phòng ở của linh mục Nguyễn Văn Lý và họ nói rằng linh mục Nguyễn Văn Lý đã đầu hàng thì tinh thần của anh Nguyễn Phong suy sụp hoàn toàn và anh đã quyết định rời bỏ cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của đất nước.

Qua sự việc của anh Nguyễn Phong thì có lẽ giới an ninh cộng sản đánh giá rằng đối với phong trào dân chủ ở trong nước thì cha Lý là linh hồn, là người nắm vai trò quyết định và có ảnh hưởng lớn đến tất cả các thành viên khác. Cho nên họ đã quyết định khởi tố lm Nguyễn Văn Lý theo điều 88 của Bộ luật hình sự, cũng như công bố trên truyền hình cũng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích duy nhất của họ là nhằm lung lạc tinh thần đấu tranh của các nhà đấu tranh cho dân chủ khác. Nhưng theo quan điểm của tôi thì đánh giá của họ là sai lầm. Bởi vì linh mục Nguyễn Văn Lý chỉ ảnh hưởng đến một số thành viên của đảng Thăng Tiến cũng như một số thành viên của Khối 8406 thôi. Còn những nhóm hoạt động đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn thì họ hoạt động hoàn toàn độc lập với nhóm của linh mục Nguyễn Văn Lý. Cũng như các nhà đấu tranh dân chủ ngoài Bắc, ở Hà Nội và Hải Phòng thì cũng hoạt động rất độc lập. Cho nên việc họ khởi tố đối với linh mục Nguyễn Văn Lý với mục đích nhằm đánh vào tinh thần của phong trào dân chủ ở trong nước là hoàn toàn sai lầm. Điều đấy hoàn toàn không đúng. Theo tôi, mục đích của họ là như vậy.

VOA: Với tư cách là một người đã tranh đấu để bảo vệ cho nhân quyền Việt Nam và cổ xướng cho dân chủ tự do ở Việt Nam, và chính bản thân ông cũng đã từng bị trải qua nhiều hành động sách nhiễu, đàn áp của chính quyền CSVN. Trước tình hình trấn áp có vẻ gia tăng của giới hữu trách Hà Nội đối với phong trào dân chủ trong nước thì luật sư có ý kiến như thế nào ạ?

Ls Nguyễn Văn Đài: Việc chính phủ CSVN đã để cho các phong trào dân chủ ở trong nước được tự do phát triển trong năm 2006, đồng nghĩa với việc ra đời của khối 8406, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam cũng như một số chính đảng là để họ nhằm mục tiêu là tổ chức thành công hội nghị APEC vào tháng 11, cũng như để các nước đồng ý cho Việt Nam gia nhập vào tổ chức thương mại quốc tế WTO. Nhưng sang đến năm 2007 thì họ đã có rất nhiều hành động trấn áp nhằm vào những nhà đấu tranh dân chủ. Tôi cho rằng đây là một sự thách thức, không chỉ đối với phong trào đấu tranh dân chủ trong nước mà còn thách thức cả cộng đồng quốc tế nữa. Bởi vì nếu cộng đồng quốc tế mà không có những phản ứng hoặc không có sự lên án đối với những hành động trấn áp phong trào dân chủ trong nước thì chính quyền CSVN sẽ dám làm tới. Họ có thể tiêu diệt toàn bộ phong trào đấu tranh trong nước.

Qua sự kiện này chúng tôi mong muốn rằng cộng đồng quốc tế có tiếng nói quan trọng hơn nữa đối với công cuộc dân chủ hóa của Việt Nam.

Tuesday, January 30, 2007

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH CÓ GÌ ĐỂ HỌC?

Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh có gì để học?

Nguyễn Văn Đài, luật sư từ Hà Nội

www.nguyenvandai.blogspot.com

Ngày nay những gì được gọi là tư tưởng của Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng lý luận, và là chỗ dựa tinh thần cũng như để che đậy sự cai trị độc đoán, chuyên quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Gần đây bộ chính trị cộng sản đã ra chỉ thị 06-CT/TW để yêu cầu toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp theo ngày 16-1-2007 ra quyết định số 35-QĐ/TW thành ban chỉ đạo trung ương cuộc vân động toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh có tư tưởng gì mà những người cộng sản phải tiêu tốn nhiều tiền của của nhân dân để nghiên cứu rồi bắt học sinh, sinh viên, nay là là toàn dân học tập. Sau khi tôi đã đọc quyển giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh do nhà xuất bản chính trị quốc gia phát hành tháng 8 năm 2006 và đọc một số cuốn sách viết về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi chỉ thấy trong con người của Hồ Chí Minh có hai nhận thức quan trọng nhất và mang tính nền tảng trong cả cuộc đời hoạt động chính trị của ông, nhưng trong suốt 60 năm qua đảng cộng sản Việt Nam đã cố tình quên lãng, không áp dụng trong đường lối của họ. Hai nhận thức quan trọng đó là: Nhận thức về tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Đại cách mạng Pháp, Nhận thức thứ hai đó là về tư tưởng dân chủ, về giá trị quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh không có những tư tưởng của riêng mình, mà ông chỉ tiếp thu và làm theo tư tưởng của những người đi trước như Mác, Lê Nin, Mao.

Nhận thức về tư tưởng dân chủ của cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ đã được Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập được đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946.

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cộng hoà Pháp năm 1789, điều này cho thấy Hồ Chí Minh mong muốn xác lập vững chắc những nguyên tắc bảo vệ quyền cá nhân con người trước quyền lực, khẳng định các quyền tự nhiên không thể bị tước đoạt của mỗi người. Hồ Chí Minh còn mong muốn xây dựng nhà nước dựa trên nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân và có nghĩa là: “Để đảm bảo cho các quyền này, con người thiết lập ra các chính phủ và chính sức mạnh của các chính phủ này là xuất phát từ sự ưng thuận của nhân dân. Và khi một hình thức chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên thì nhân dân có quyền thay đổi, hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập nên một chính phủ mới, dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy và tổ chức các quyền lực của mình theo hình thức nào đó để cho các quyền lực ấy có khả năng đảm bảo an ninh và hạnh phúc cho họ nhiều nhất.”

Trong Hiến pháp Việt Nam năm 1946, thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội Việt Nam trên nền tảng dân chủ, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hiến pháp năm 1946 xây dựng trên ba nguyên tắc:

“ - Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân và do nhân quyết định”.

Hiến pháp 1946 khẳng định ngay trong điều đầu tiên là: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”

Điều đó có nghĩa mọi người dân Việt Nam đều có quyền tham gia chính trị thông qua các đảng phái chính trị mà họ là thành viên hoặc với tư cách độc lập. Và việc đảng phái chính trị nào lãnh đạo đất nước phải do toàn dân lựa chọn và quyết định thông qua cuộc bầu cử tự do dân chủ.

Tóm lại trong cả cuộc đời hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh, ông ấy đã tiếp thu hai tư tưởng về nhân quyền và dân chủ có giá trị kinh điển từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cộng Hoà Pháp năm 1789 để áp dụng vào việc xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ với thể chế chính trị đa đảng, tôn trọng phẩm giá của con người tức là tôn trọng những quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm và thiêng liêng của mỗi con người. Và xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Đáng tiếc, đảng cộng sản Việt Nam sau khi nắm được quyền lực, họ đã thực hiện nền chuyên chính của mình, thực hiện chế độ độc đảng cầm quyền, hạn chế và tước bỏ đi những quyền căn bản nhất con người như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài, tự do biểu tình….

Nay, để duy trì sự lãnh đạo độc đảng của minh, đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi, vận động toàn dân học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh, điều nay không thực tế, bởi chính đảng viên đảng cộng sản phải là những người phải học, và phải thấm nhuần những giá trị về dân chủ và nhân quyền mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu và để lại cho họ. Khi mà ngày nay vấn đề nhân quyền đã mang ý nghĩa toàn cầu và tôn trọng nhân quyền đã trở thành hòn đá thử vàng và là biểu tượng của công lý trong công việc đối nội và đối ngoại của mỗi quốc gia. Chỉ khi công lý được thực thi thì đảng cộng sản mới có thể tồn tại được, còn không thì sẽ tự huỷ diệt chính bản thân họ. Hồ Chí Minh đã có một câu nói khá nổi tiếng đó là: “ Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa gì”(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật 1984, Tập 4, tr 35)

Những tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp thu mà nay đảng cộng sản Việt Nam phải thực thi ngay đó là: Tôn trọng tuyệt đối tất cả các quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam. Từ bỏ chế độ độc đảng cộng sản lãnh đạo, chấp nhận xây dựng chế độ dân chủ đa đảng. Cùng với đại diện của các đảng phái, tổ chức chính trị, đại diện các tôn giáo, các tổ chức chính trị xã hội thành Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp và tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới, luật bầu cử mới, tiến hành trưng cầu dân ý và bầu cử tự do, dân chủ có sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Hà nội, ngày 31-1-2007

Tuesday, January 16, 2007

Thư độc giả gửi luật sư Nguyễn Văn Đài

Tại sao tôi tin Chúa Jesus Christ


Tôi đã có thời gian làm việc tại CHDC Đức(cũ) từ tháng 11 năm 1989 đến tháng 10 năm 1990. Tháng 7 năm 1990, khi việc đi lại giữa Đông và Tây Đức trở nên dễ dàng, thì có rất nhiều đoàn giáo sĩ Tin lành của người Việt từ các nước đã tới những thành phố khác nhau của Đông Đức để truyền giáo. Có một nhóm thanh niên Tin lành đã đến chung cư nơi chúng tôi đang sinh sống, hàng ngày họ đi phát những quyển sách nhỏ nói về Chúa Jesus, phòng tôi có 4 anh em cũng nhận được những cuốn sách đó. Nhưng lúc đó chúng tôi chuẩn bị phải trở về Việt Nam vì nhà máy nơi chúng tôi làm việc đã phá sản, do vậy chúng tôi phải vất vả buôn bán để tranh thủ kiếm thêm chút tiền trước khi về nước, nên tôi và các bạn không có thời gian đọc những cuốn sách đó. Một ngày trước khi về Việt Nam, chúng tôi tranh thủ đi mua quà lưu niệm, tôi tìm mãi nhưng không tìm được món quà mà mình ưa thích, cuối cùng tôi nhìn thấy cây thập tự giá, mặc dù lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa của nó, nhưng khi nhìn thấy thì tôi cảm thấy rất thích, và tôi đã quyết định mua làm kỷ niệm cho mình. Tôi đeo cây thập tự bằng vàng vào cổ và trở về căn phòng của mình chuẩn bị hành lý cho chuyến trờ về quê hương. Trong khi chuẩn bị hành lý, thì tôi thấy cuốn sách nói về Chúa Jesus, tôi đọc lướt qua và khi đó tôi mới hiểu một chút ý nghĩa của cây thập tự giá, tôi cảm thấy việc tôi chọn món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa. Khi trở về đến Việt Nam, tôi vào trường đại học luật, việc học hành đã cuốn hút tâm trí của tôi, nên tôi không còn nghĩ về ý nghĩa của cây thập tự giá đó nữa. Gia đình tôi theo đạo Phật, nên sau khi ra trường, hàng tháng vào ngày 1 và 15 tôi đều đi lễ Chùa Quán Sứ để cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với mình. Nhưng suốt nhiều năm tháng tôi chưa bao giờ được cảm thấy bình an trong cuộc sống cũng như trong công việc của mình.
Đầu năm 2000, chị Nguyễn Thị Thuý là quản nhiệm một Hội thánh Ngũ tuần ở thành phố Việt Trì bị công an bắt và toà án thành phố xử sơ thẩm với mức án 1 năm tù vì tội cống người thi hành công vụ. Một nhóm tín đồ người nước ngoài ở Hà Nội khi cầu nguyện, thì họ thấy Chúa nhắc nhở họ phải giúp đỡ cho chị Thuý để thuê luật sư ở phiên toà phúc thẩm. Và họ đã đóng góp để giúp đỡ gia đình chị. Nhưng gia đình chị Thuý đi tìm nhiều nơi mà không thuê được luật sư, một hôm người nhà chị Thuý tìm đến Văn phòng của luật sư Châu ở phố Tràng Thi, chị Châu không nhận vụ này nhưng hứa sẽ tìm giúp luật sư, và chị mở danh sách luật sư học cùng với chị, cuối cùng chị tìm đúng tên của tôi và gọi điện thoại cho tôi, chị nói có một vụ án nhạy cảm, em có thể nhận lời bào chữa không? Tôi nói với chị là cần phải xem hồ sơ trước khi quyết định, chiều đó tôi tới nhà chị, khi đọc hồ sơ chi có 3 trang giấy của bản án sơ thẩm, tôi hết sức bất bình vì chính quyền địa phương đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, quyền tư do tín ngưỡng, tôn giáo và họ còn bắt và xử tù một người đang thực hiện quyền công dân của mình. Tôi nhận lời làm luật sư cho chị. Trong thời gian nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị cho phiê toà phúc thẩm, tôi đã gặp rất nhiều tín đồ Tin lành và nghe họ làm chứng về Chúa Jesus và thập tự giá. Và có một giáo sĩ nước ngoài đã đến thăm tôi tại nhà, ông nói với tôi là không quen biết chị Thuý, nhưng là cùng đức tin, khi nghe chị Thuý bị bắt bớ và tôi đã nhận làm luật sư cho chị thì ông rất mừng và không quản ngại xa xôi, ông đã đến Việt Nam để gặp tôi. Ông nói hàng triệu tín đồ khắp nơi trên thế giới ngày đêm đang cầu nguyền cho chi Thuý và cho tôi. Khi nghe tới đó, tôi rất cảm động và nghi lại câu chuyện 10 năm trước tôi đã chọn mua cây thập tự giá làm quà kỷ niệm cho chính mình. Sau đó ít bữa một người bạn đã mời tôi đến dự lễ truyền giảng tại Nhà thờ Tin lành số 2 Ngõ Trạm, và hôm đó cả hai vợ chồng tôi cùng tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của chúng tôi.(còn tiếp)

Tính chất pháp lý của chỉ thị 06-CT/TW của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam

Hà nội, ngày 12-1-2007

Sau ngày 30-4-1975, đảng cộng sản được sự soi dẫn của chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa đất nước của chúng ta đến cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 10 năm, nhân dân đói khổ lầm than, hàng triệu người phải vượt biển đi tìm tự do và hạnh phúc ở những vùng đất khác nhau trên thế giới. Mấy chục triệu người không đi được phải ở lại để tiếp tục theo sự lãnh đạo của đảng. Năm 1986, đảng cộng sản kiên định lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho việc đổi mới về kinh tế. Hai mươi năm đổi mới kinh tế, nhờ nỗ lực của cả dân tộc Việt Nam cần cù chịu khó, nhờ tư bản nước ngoài mang tiền của vào đầu tư, nhờ đồng bào hải ngoại ngày đêm lao động vất vả để gửi tiền về nên kinh tế có khởi sắc, người dân bớt đói nghèo, nhưng so với những nước trong khu vực thì chúng ta vẫn lạc hậu và bị tụt hậu, có lẽ chẳng bao giờ đuổi kịp được họ. Quan chức cộng sản đã hình thành nên một giai tầng mới trong xã hội, phần lớn trong số họ không còn xuất thân từ tầng lớp công nhân, nông dân nữa, mà họ xuất thân từ tầng con cháu của những những người cộng sản thế hệ trước. Họ vẫn tiếp học tập, nghiên cứu và áp dụng chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng họ càng học tập, càng kêu gào sống và học tập theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thì lối sống đạo đức của họ càng tha hoá, tệ nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn, quan chức cộng sản tham nhũng đã trở thành giặc nội xâm và là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam. Giờ đây không biết được mấy phần trăm quan chức cộng sản dám hiên ngang tuyên bố rằng họ không tham nhũng tài sản của nhân dân? ai trong số họ dám công khai tài sản cho nhân dân giám sát? Khi mà lòng tin của nhân dân vào chính quyền cộng sản ngày càng giảm sút nghiêm trọng, trước nguy cơ bị nhân dân phế truất quyền lãnh đạo. Bộ chính trị đảng cộng sản đã vội vã ra chỉ thị số 06-CT/TW “yêu cầu toàn dân học tập để nhận thức về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng ta cùng xem xét tính chất pháp lý của chỉ thị này:

Trong hiến pháp và cả hệ thống pháp luật của Việt Nam không có văn bản pháp luật nào qui định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có tên là “bộ chính trị”. Tại Điều 1 Luật ban hành các văn bản qui phạm pháp luật năm 1996 qui định về hệ thống văn bản qui phạm pháp luật và các cơ quan được phép ban hành văn bản qui phạm pháp luật, các văn bản của bộ chính trị - đảng cộng sản không được qui định tại Điều này. Như vậy các văn bản do bộ chính trị của đảng cộng sản ban hành là không có cơ sở pháp lý. Duy nhất tại Điều 4 Hiến pháp 1992 có nói đến đảng cộng sản, nhưng trong Điều 4 chỉ qui định đảng cộng sản theo chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh chứ không qui định cả dân tộc Việt Nam phải theo chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời trong Điều 4 còn qui định mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

Điều 79 Hiến pháp qui định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp, pháp luật…” Do đó công dân Việt Nam chỉ có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp và pháp luật, chứ không có nghĩa vụ tuân theo chỉ thị của các tổ chức, đảng phái chính trị.

Việc bộ chính trị đảng cộng sản ra chỉ thị 06-CT/TW để bắt buộc mọi người dân phải tuân theo là vi hiến. Chỉ thị 06-CT/TW chỉ có giá trị trong nội bộ của đảng cộng sản, không có giá trị pháp lý để áp dụng bắt toàn dân Việt Nam phải tuân theo.

Nguyễn Văn Đài, luật sư từ Hà Nội.