Tuesday, January 30, 2007

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH CÓ GÌ ĐỂ HỌC?

Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh có gì để học?

Nguyễn Văn Đài, luật sư từ Hà Nội

www.nguyenvandai.blogspot.com

Ngày nay những gì được gọi là tư tưởng của Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng lý luận, và là chỗ dựa tinh thần cũng như để che đậy sự cai trị độc đoán, chuyên quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Gần đây bộ chính trị cộng sản đã ra chỉ thị 06-CT/TW để yêu cầu toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp theo ngày 16-1-2007 ra quyết định số 35-QĐ/TW thành ban chỉ đạo trung ương cuộc vân động toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh có tư tưởng gì mà những người cộng sản phải tiêu tốn nhiều tiền của của nhân dân để nghiên cứu rồi bắt học sinh, sinh viên, nay là là toàn dân học tập. Sau khi tôi đã đọc quyển giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh do nhà xuất bản chính trị quốc gia phát hành tháng 8 năm 2006 và đọc một số cuốn sách viết về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi chỉ thấy trong con người của Hồ Chí Minh có hai nhận thức quan trọng nhất và mang tính nền tảng trong cả cuộc đời hoạt động chính trị của ông, nhưng trong suốt 60 năm qua đảng cộng sản Việt Nam đã cố tình quên lãng, không áp dụng trong đường lối của họ. Hai nhận thức quan trọng đó là: Nhận thức về tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Đại cách mạng Pháp, Nhận thức thứ hai đó là về tư tưởng dân chủ, về giá trị quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh không có những tư tưởng của riêng mình, mà ông chỉ tiếp thu và làm theo tư tưởng của những người đi trước như Mác, Lê Nin, Mao.

Nhận thức về tư tưởng dân chủ của cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ đã được Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập được đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946.

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cộng hoà Pháp năm 1789, điều này cho thấy Hồ Chí Minh mong muốn xác lập vững chắc những nguyên tắc bảo vệ quyền cá nhân con người trước quyền lực, khẳng định các quyền tự nhiên không thể bị tước đoạt của mỗi người. Hồ Chí Minh còn mong muốn xây dựng nhà nước dựa trên nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân và có nghĩa là: “Để đảm bảo cho các quyền này, con người thiết lập ra các chính phủ và chính sức mạnh của các chính phủ này là xuất phát từ sự ưng thuận của nhân dân. Và khi một hình thức chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên thì nhân dân có quyền thay đổi, hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập nên một chính phủ mới, dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy và tổ chức các quyền lực của mình theo hình thức nào đó để cho các quyền lực ấy có khả năng đảm bảo an ninh và hạnh phúc cho họ nhiều nhất.”

Trong Hiến pháp Việt Nam năm 1946, thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội Việt Nam trên nền tảng dân chủ, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hiến pháp năm 1946 xây dựng trên ba nguyên tắc:

“ - Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân và do nhân quyết định”.

Hiến pháp 1946 khẳng định ngay trong điều đầu tiên là: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”

Điều đó có nghĩa mọi người dân Việt Nam đều có quyền tham gia chính trị thông qua các đảng phái chính trị mà họ là thành viên hoặc với tư cách độc lập. Và việc đảng phái chính trị nào lãnh đạo đất nước phải do toàn dân lựa chọn và quyết định thông qua cuộc bầu cử tự do dân chủ.

Tóm lại trong cả cuộc đời hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh, ông ấy đã tiếp thu hai tư tưởng về nhân quyền và dân chủ có giá trị kinh điển từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cộng Hoà Pháp năm 1789 để áp dụng vào việc xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ với thể chế chính trị đa đảng, tôn trọng phẩm giá của con người tức là tôn trọng những quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm và thiêng liêng của mỗi con người. Và xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Đáng tiếc, đảng cộng sản Việt Nam sau khi nắm được quyền lực, họ đã thực hiện nền chuyên chính của mình, thực hiện chế độ độc đảng cầm quyền, hạn chế và tước bỏ đi những quyền căn bản nhất con người như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài, tự do biểu tình….

Nay, để duy trì sự lãnh đạo độc đảng của minh, đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi, vận động toàn dân học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh, điều nay không thực tế, bởi chính đảng viên đảng cộng sản phải là những người phải học, và phải thấm nhuần những giá trị về dân chủ và nhân quyền mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu và để lại cho họ. Khi mà ngày nay vấn đề nhân quyền đã mang ý nghĩa toàn cầu và tôn trọng nhân quyền đã trở thành hòn đá thử vàng và là biểu tượng của công lý trong công việc đối nội và đối ngoại của mỗi quốc gia. Chỉ khi công lý được thực thi thì đảng cộng sản mới có thể tồn tại được, còn không thì sẽ tự huỷ diệt chính bản thân họ. Hồ Chí Minh đã có một câu nói khá nổi tiếng đó là: “ Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa gì”(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật 1984, Tập 4, tr 35)

Những tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp thu mà nay đảng cộng sản Việt Nam phải thực thi ngay đó là: Tôn trọng tuyệt đối tất cả các quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam. Từ bỏ chế độ độc đảng cộng sản lãnh đạo, chấp nhận xây dựng chế độ dân chủ đa đảng. Cùng với đại diện của các đảng phái, tổ chức chính trị, đại diện các tôn giáo, các tổ chức chính trị xã hội thành Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp và tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới, luật bầu cử mới, tiến hành trưng cầu dân ý và bầu cử tự do, dân chủ có sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Hà nội, ngày 31-1-2007

Tuesday, January 16, 2007

Thư độc giả gửi luật sư Nguyễn Văn Đài

Tại sao tôi tin Chúa Jesus Christ


Tôi đã có thời gian làm việc tại CHDC Đức(cũ) từ tháng 11 năm 1989 đến tháng 10 năm 1990. Tháng 7 năm 1990, khi việc đi lại giữa Đông và Tây Đức trở nên dễ dàng, thì có rất nhiều đoàn giáo sĩ Tin lành của người Việt từ các nước đã tới những thành phố khác nhau của Đông Đức để truyền giáo. Có một nhóm thanh niên Tin lành đã đến chung cư nơi chúng tôi đang sinh sống, hàng ngày họ đi phát những quyển sách nhỏ nói về Chúa Jesus, phòng tôi có 4 anh em cũng nhận được những cuốn sách đó. Nhưng lúc đó chúng tôi chuẩn bị phải trở về Việt Nam vì nhà máy nơi chúng tôi làm việc đã phá sản, do vậy chúng tôi phải vất vả buôn bán để tranh thủ kiếm thêm chút tiền trước khi về nước, nên tôi và các bạn không có thời gian đọc những cuốn sách đó. Một ngày trước khi về Việt Nam, chúng tôi tranh thủ đi mua quà lưu niệm, tôi tìm mãi nhưng không tìm được món quà mà mình ưa thích, cuối cùng tôi nhìn thấy cây thập tự giá, mặc dù lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa của nó, nhưng khi nhìn thấy thì tôi cảm thấy rất thích, và tôi đã quyết định mua làm kỷ niệm cho mình. Tôi đeo cây thập tự bằng vàng vào cổ và trở về căn phòng của mình chuẩn bị hành lý cho chuyến trờ về quê hương. Trong khi chuẩn bị hành lý, thì tôi thấy cuốn sách nói về Chúa Jesus, tôi đọc lướt qua và khi đó tôi mới hiểu một chút ý nghĩa của cây thập tự giá, tôi cảm thấy việc tôi chọn món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa. Khi trở về đến Việt Nam, tôi vào trường đại học luật, việc học hành đã cuốn hút tâm trí của tôi, nên tôi không còn nghĩ về ý nghĩa của cây thập tự giá đó nữa. Gia đình tôi theo đạo Phật, nên sau khi ra trường, hàng tháng vào ngày 1 và 15 tôi đều đi lễ Chùa Quán Sứ để cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với mình. Nhưng suốt nhiều năm tháng tôi chưa bao giờ được cảm thấy bình an trong cuộc sống cũng như trong công việc của mình.
Đầu năm 2000, chị Nguyễn Thị Thuý là quản nhiệm một Hội thánh Ngũ tuần ở thành phố Việt Trì bị công an bắt và toà án thành phố xử sơ thẩm với mức án 1 năm tù vì tội cống người thi hành công vụ. Một nhóm tín đồ người nước ngoài ở Hà Nội khi cầu nguyện, thì họ thấy Chúa nhắc nhở họ phải giúp đỡ cho chị Thuý để thuê luật sư ở phiên toà phúc thẩm. Và họ đã đóng góp để giúp đỡ gia đình chị. Nhưng gia đình chị Thuý đi tìm nhiều nơi mà không thuê được luật sư, một hôm người nhà chị Thuý tìm đến Văn phòng của luật sư Châu ở phố Tràng Thi, chị Châu không nhận vụ này nhưng hứa sẽ tìm giúp luật sư, và chị mở danh sách luật sư học cùng với chị, cuối cùng chị tìm đúng tên của tôi và gọi điện thoại cho tôi, chị nói có một vụ án nhạy cảm, em có thể nhận lời bào chữa không? Tôi nói với chị là cần phải xem hồ sơ trước khi quyết định, chiều đó tôi tới nhà chị, khi đọc hồ sơ chi có 3 trang giấy của bản án sơ thẩm, tôi hết sức bất bình vì chính quyền địa phương đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, quyền tư do tín ngưỡng, tôn giáo và họ còn bắt và xử tù một người đang thực hiện quyền công dân của mình. Tôi nhận lời làm luật sư cho chị. Trong thời gian nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị cho phiê toà phúc thẩm, tôi đã gặp rất nhiều tín đồ Tin lành và nghe họ làm chứng về Chúa Jesus và thập tự giá. Và có một giáo sĩ nước ngoài đã đến thăm tôi tại nhà, ông nói với tôi là không quen biết chị Thuý, nhưng là cùng đức tin, khi nghe chị Thuý bị bắt bớ và tôi đã nhận làm luật sư cho chị thì ông rất mừng và không quản ngại xa xôi, ông đã đến Việt Nam để gặp tôi. Ông nói hàng triệu tín đồ khắp nơi trên thế giới ngày đêm đang cầu nguyền cho chi Thuý và cho tôi. Khi nghe tới đó, tôi rất cảm động và nghi lại câu chuyện 10 năm trước tôi đã chọn mua cây thập tự giá làm quà kỷ niệm cho chính mình. Sau đó ít bữa một người bạn đã mời tôi đến dự lễ truyền giảng tại Nhà thờ Tin lành số 2 Ngõ Trạm, và hôm đó cả hai vợ chồng tôi cùng tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của chúng tôi.(còn tiếp)

Tính chất pháp lý của chỉ thị 06-CT/TW của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam

Hà nội, ngày 12-1-2007

Sau ngày 30-4-1975, đảng cộng sản được sự soi dẫn của chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa đất nước của chúng ta đến cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 10 năm, nhân dân đói khổ lầm than, hàng triệu người phải vượt biển đi tìm tự do và hạnh phúc ở những vùng đất khác nhau trên thế giới. Mấy chục triệu người không đi được phải ở lại để tiếp tục theo sự lãnh đạo của đảng. Năm 1986, đảng cộng sản kiên định lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho việc đổi mới về kinh tế. Hai mươi năm đổi mới kinh tế, nhờ nỗ lực của cả dân tộc Việt Nam cần cù chịu khó, nhờ tư bản nước ngoài mang tiền của vào đầu tư, nhờ đồng bào hải ngoại ngày đêm lao động vất vả để gửi tiền về nên kinh tế có khởi sắc, người dân bớt đói nghèo, nhưng so với những nước trong khu vực thì chúng ta vẫn lạc hậu và bị tụt hậu, có lẽ chẳng bao giờ đuổi kịp được họ. Quan chức cộng sản đã hình thành nên một giai tầng mới trong xã hội, phần lớn trong số họ không còn xuất thân từ tầng lớp công nhân, nông dân nữa, mà họ xuất thân từ tầng con cháu của những những người cộng sản thế hệ trước. Họ vẫn tiếp học tập, nghiên cứu và áp dụng chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng họ càng học tập, càng kêu gào sống và học tập theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thì lối sống đạo đức của họ càng tha hoá, tệ nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn, quan chức cộng sản tham nhũng đã trở thành giặc nội xâm và là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam. Giờ đây không biết được mấy phần trăm quan chức cộng sản dám hiên ngang tuyên bố rằng họ không tham nhũng tài sản của nhân dân? ai trong số họ dám công khai tài sản cho nhân dân giám sát? Khi mà lòng tin của nhân dân vào chính quyền cộng sản ngày càng giảm sút nghiêm trọng, trước nguy cơ bị nhân dân phế truất quyền lãnh đạo. Bộ chính trị đảng cộng sản đã vội vã ra chỉ thị số 06-CT/TW “yêu cầu toàn dân học tập để nhận thức về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng ta cùng xem xét tính chất pháp lý của chỉ thị này:

Trong hiến pháp và cả hệ thống pháp luật của Việt Nam không có văn bản pháp luật nào qui định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có tên là “bộ chính trị”. Tại Điều 1 Luật ban hành các văn bản qui phạm pháp luật năm 1996 qui định về hệ thống văn bản qui phạm pháp luật và các cơ quan được phép ban hành văn bản qui phạm pháp luật, các văn bản của bộ chính trị - đảng cộng sản không được qui định tại Điều này. Như vậy các văn bản do bộ chính trị của đảng cộng sản ban hành là không có cơ sở pháp lý. Duy nhất tại Điều 4 Hiến pháp 1992 có nói đến đảng cộng sản, nhưng trong Điều 4 chỉ qui định đảng cộng sản theo chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh chứ không qui định cả dân tộc Việt Nam phải theo chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời trong Điều 4 còn qui định mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

Điều 79 Hiến pháp qui định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp, pháp luật…” Do đó công dân Việt Nam chỉ có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp và pháp luật, chứ không có nghĩa vụ tuân theo chỉ thị của các tổ chức, đảng phái chính trị.

Việc bộ chính trị đảng cộng sản ra chỉ thị 06-CT/TW để bắt buộc mọi người dân phải tuân theo là vi hiến. Chỉ thị 06-CT/TW chỉ có giá trị trong nội bộ của đảng cộng sản, không có giá trị pháp lý để áp dụng bắt toàn dân Việt Nam phải tuân theo.

Nguyễn Văn Đài, luật sư từ Hà Nội.

Quan điểm về CPC

Sau nhiều năm chính phủ cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo một cách khốc liệt, đặc biệt đối với những người theo đạo Tin lành là người sắc tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên, các giáo hội Tin lành tư gia tại các thành phố và các tỉnh đồng bằng. Thậm chí chính phủ đã ra những văn bản mật để hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương phải tìm cách xoá bỏ đạo Tin lành(Chỉ thị 184). Tháng 9-2004, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam và danh sách các nước được quan tâm đặc biệt do đàn áp tôn giáo(CPC). Trong suốt hai năm qua, chính phủ Hoa Kỳ đã nỗ lực để đàm phán với cộng sản Việt Nam về tự do tôn giáo, trong khi đó những người theo đạo Tin lành là người H’Mông ở các tỉnh miền núi phía bắc vẫn bị đàn áp, ép bỏ đạo, thậm trí máu của họ vẫn còn rơi, thương tật vì bị đánh đập vẫn mang trên mình. Tháng 6 và tháng 7 năm 2006, máu của nhiều tín đồ Tin lành thuộc hệ phái Phúc âm toàn vẹn tại tỉnh Thanh Hoá vẫn còn rơi vì niềm tin của họ. Hầu hết các tín đồ thuộc các hệ phái tin lành tư gia ở các tỉnh phía Bắc đều gặp rất nhiều khó khăn khi họ xin xác nhận của chính quyền địa phương vào lý lịch để đi xin việc, xin cấp chứng minh thư, xin cấp hộ chiếu, nhiều nơi chính quyền từ chối không cấp vì lý do theo đạo.

Cho đến thời điểm gần diễn ra hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội, các tín đồ người H’Mông mới thực sự không bị đàn áp, nhưng còn một số Hội thánh Tin lành tư gia tại Thanh Hoá vẫn gặp khó khăn và cản trở của chính quyền trong việc họ nhóm lại.

Hiện tại có khoảng hơn 4000 Hội thánh Tin lành tư gia thuộc hơn 50 hệ phái khác nhau, nhưng chính phủ cộng sản Việt Nam mới chỉ công nhận đăng ký chưa tới 10 Hội thánh. Và có trên 400 Hội thánh Tin lành của người H’Mông tham gia đăng ký, nhưng chính quyền mới công nhận được khoảng 30 Hội thánh.

Mặc dù chính phủ cộng sản Việt Nam đã có những tiến bộ khi giảm thiểu việc đàn áp, và sách nhiễu các giáo hội Tin lành tư gia, nhưng điều đó chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của những người theo đạo. Sự tiến bộ đó không phải đến từ cái gọi là: “bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN” và thực tâm của chính phủ cộng sản Việt Nam. Cộng sản Việt Nam nới lỏng việc kiểm soát tôn giáo do áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ nhằm được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ rút ra khỏi danh sách CPC, và được Quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua PNTR cho Việt Nam.

Ngày 13-11-2006, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, đây là thành công của cộng sản Việt Nam và những nỗ lực ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ. Cộng sản Việt Nam chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ cũng như chuẩn mực quốc tế, việc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC mang tính chất miễn cưỡng, và chiếu cố cho cộng sản Việt Nam, một món quả nhỏ mà bà Ngoại trưởng cũng như Tổng thống Hoa Kỳ muốn tặng cho cộng sản Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cũng như tham dự hội nghị APEC diễn ra tại Hà Nội.

Một câu hỏi lớn đặt ra là: “Sau khi cộng sản Việt Nam tổ chức thành công hội nghị APEC, đạt được PNTR, trở thành thành viên chính của WTO, chính sách đối với tôn giáo nói chung và các giáo hội Tin lành nói riêng sẽ như thế nào?” trong khi mà đường lối chính sách tuyên truyền của cộng sản Việt Nam vẫn coi đạo Tin lành là của Mỹ, là đạo phản động, và việc phát triển đạo Tin lành nằm trong chiến lược được cộng sản gọi là: “Diễn biến hoà bình nhằm thay đổi chế độ cộng sản” do “các thế lực thù địch” đang thực hiện. Cộng sản Việt Nam mong muốn dựa vào Hoa Kỳ để làm ăn kinh tế, nhằm duy trì quyền lực lãnh đạo của mình, nhưng mặt khác cộng sản Việt Nam vẫn coi Hoa Kỳ là mối đe doạ trực tiếp cho quyền lực của họ khi mà chính phủ Hoa Kỳ luôn luôn có những đòi hỏi về dân chủ, nhân quyền với cộng sản Việt Nam. Cộng sản Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải đàm phán và giải quyết về tự do tôn giáo nói riêng và dân chủ, nhân quyền nói chung. Nhưng điều mà tất cả mọi người mong muốn lại là việc cộng sản Việt Nam phải thực tâm nhìn nhận vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền là đòi hỏi thực sự của toàn thể nhân dân Việt Nam, mà họ phải tôn trọng và đáp ứng chứ không phải là việc họ đi đàm phán với Hoa Kỳ để mang tự do, dân chủ và nhân quyền về cho nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Văn Đài, luật sư

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2006.

Dân trí và chế độ dân chủ ở Việt Nam

Hà nội, ngày 1-6-2006

Trong bài viết trước của tôi về công dân Việt Nam có quyền tự do thành lập đảng, đã nhận được những ý kiến đóng góp tích cực từ nhiều phía, và trong đó chủ yếu là những ý kiến ủng hộ đa đảng hay phản đối việc đa đảng.

Những ý kiến phản đối việc đa đảng thì cho rằng do trình độ dân trí còn thấp, người dân chưa đủ khả năng và hiểu biết về một xã hội dân chủ nên việc đa đảng sẽ gây ra nhiều bất ổn trong xã hội.

Trong bài viết này tôi sẽ đưa ra những minh chứng cho việc người dân Việt Nam hoàn toàn có đủ tri thức và khả năng để tiếp thu và xây dựng một Nhà nước dân chủ, đa đảng.

Trước hết, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử của dân tộc về những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Lúc đó dưới sự áp bức, cai trị của chủ nghĩa thực dân, nhu cầu đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc để dành độc lập đã lan rộng trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức.

Truyền thống đa dạng

Những phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh tuy không giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng nó là một tác nhân cho phong trào thành lập các chính đảng sau này.

Năm 1930 đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Trung Quốc, cuối thập niên 30 và sang đầu thập niên 40, một loạt các chính đảng được thành lập ở Việt Nam như: Quốc Dân Đảng, Đại Việt, đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội, … Tất cả chúng ta ai cũng biết là lúc đó cuộc sống người dân Việt Nam nghèo nàn và lạc hậu, trên 80% dân số mù chữ và cả dân tộc đang bị cai trị một cách hà khắc của chủ nghĩa thực dân. Nhưng với tấm lòng yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc, một loạt các đảng phái chính trị đã ra đời để đấu tranh cho mục tiêu dành độc lập dân tộc.

Và đến năm 1945, Chính phủ và Quốc hội đa đảng đã được thành lập ở Việt Nam. Ở miền Bắc sau năm 1954 và trên cả nước sau năm 1975 cho đến năm 1988, tuy vẫn còn giữ cơ chế Chính phủ và Quốc hội đa đảng, nhưng việc cạnh tranh dân chủ giữa các đảng đã không còn nữa. Tuy nhiên, ở miền Nam việc bầu cử tự do và cạnh tranh dân chủ giữa các đảng phái vào Chính phủ và Quốc hội vẫn được duy trì cho đến trước 30-4-1975.

Chúng ta có thể thấy rằng trong thế kỷ trước người dân Việt Nam đã từng làm quen và xây dựng chế độ dân chủ đa đảng, mặc dù lúc đó dân trí thấp, lạc hậu, mù chữ, thông tin bị giới hạn.

Sau 30-4-1975, khoảng 2 triệu người Việt Nam đã di cư đến các quốc gia phát triển, với thể chế chính trị dân chủ, đa đảng. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã hòa nhập rất nhanh vào nền văn hóa, kinh tế và chính trị của nước sở tại. Đại đa số đã thành đạt về kinh tế, và nhiều người đã thành đạt về chính trị, nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền.

Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, có hàng trăm nghìn lao động và sinh viên Việt Nam làm việc và học tập ở Liên Xô cũ và các nước Cộng sản đông Âu. Sau khi những nước trên chuyển sang chế độ dân chủ, đa đảng, thì cộng đồng người Việt ở đó cũng đã hòa nhập nhanh chóng vào nền chính trị dân chủ mà họ không hề bỡ ngỡ hay gặp khó khăn gì. Và hiện nay đang có hàng trăm nghìn lao động Việt Nam đang sống và làm việc rất bình thường ở những nước dân chủ, đa đảng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan.

Qua những minh chứng ở trên, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam có đủ tri thức, kinh nghiệm, khả năng và tinh thần yêu nước để xây dựng một chế độ dân chủ, đa đảng.

Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc chiến chống lại sự nghèo nàn, lạc hậu, nạn tham nhũng và sự thoái về đạo đức đang quyết định đến vận mệnh của cả dân tộc, hoặc là chúng ta sẽ vươn lên để đuổi kịp các nước phát triển, hoặc là chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu, và làm thuê cho họ.

Khi đảng Cộng sản đã tỏ ra bất lực và không có khả năng trong cuộc chiến đó thì sự ra đời của các đảng phái chính trị sẽ phát huy sức mạnh của cả dân tộc để xây dựng một Nhà nước dân chủ, từ đó sẽ là tiền đề cho đất nước Việt Nam phát triển và cất cánh đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/05/060523_dantri_danchu.shtml

Trả lời phỏng vấn đài Tiếng nước tôi

Anh Hoàng Hà: Kính thưa Luật sư, như chúng tôi vừa giới thiệu , chúng ta đang ở những ngày đầu của năm mới dương lịch 2007. Trong năm 2006 vừa qua có khá nhiều biến cố đáng chú ý đối với cả đảng cộng sản Việt Nam lẫn các lực lượng đấu tranh cho dân chủ. Trong buổi hội luận này, với tư cách là một nhà trí thức đấu tranh, xin mời luật sư cho thính giả biết những nhận định của luật sư về các biến cố đáng chú ý. Trước hết là về phía đảng cộng sản Việt Nam. Năm 2006 vừa qua là năm đánh dấu 20 năm chính sách đổi mới. Đương nhiên là đảng cộng sản Việt Nam đã có những tổng kết đầy mầu hồng cho thành tích 20 năm đổi mới của họ, vì ngay cả tổng kết 10 năm thực hiện khẩu hiệu "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa" chấm dứt vào năm 1986 thê thảm như vậy, mà cũng đã trưng ra đầy dẫy những thành tích. Thưa luật sư câu hỏi đặt ra là, sau 20 năm đồi mới đảng cộng sản có thực sự thành công trên con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa mà họ vẫn hô hào và theo đuổi đến nay hay không? Trước hết là về mặt ý thức hệ và tư tưởng , vì đây là 2 lãnh vực vẫn được đảng cộng sản coi là chỉ đạo cho các hành động khác.

Luật sư Nguyễn Văn Đài:

Thưa quí thính giả, theo đánh giá của cá nhân tôi thì sau hai mươi năm đổi mới về kinh tế thì nền kinh tế Việt Nam ngày càng xa rời con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và thực tế là nền kinh tế Việt Nam ngày càng tiến gần, tiến nhanh và tiến vững chắc theo chủ nghĩa tư bản, đặc biệt sẽ nhanh hơn sau khi Việt Nam trở thành viên chính thức của WTO. Hiện nay tỷ trọng về kinh tế ngày càng nghiêng về các nhà tư bản trong nước và các nhà tư bản ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Theo nhận định của tôi thì trong vòng từ 5 tới 7 năm nữa tư bản trong nước và tư bản ngoại quốc sẽ chiếm tỷ trọng áp đảo trong nền kinh tế Việt Nam.

Còn về mặt ý thức hệ và tư tưởng của những người cộng sản, tôi cho rằng bản chất trong con người cộng sản đã thay đổi, ngày nay ý thức hệ và tư tưởng cộng sản chỉ còn trong các viện nghiên cứu, trong các cuộc họp chi bộ, mỗi kỳ đại hội đảng. Trong đối nội họ mang ý thức hệ và tư tưởng cộng sản ra để buộc học sinh, sinh viên phải học, nhằm thống trị về tư tưởng, kéo dài sự cai trị độc đảng của họ, nhưng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, xoá đi khoảng cách giữa các quốc gia, tầng lớp học sinh, sinh viên và trí thức có điều kiện để tiếp cận với thông tin từ thế giới bên ngoài, cho nên việc áp đạt ý thức hệ và tư tưởng cộng sản không còn ý nghĩa như trước đây, và nay nó đã mất tác dụng. Mặt khác họ dùng chiêu bài xây dựng CNXH để loè bịp nhân dân. Trong quan hệ đối ngoại có hai loại: Thứ nhất bất kỳ quốc gia nào mà ủng hộ sự cai trị độc đảng của họ thì là bạn; Thứ hai những quốc gia nào ủng hộ họ trong chuyện buôn bán làm ăn kinh tế thì là đối tác. Cộng sản Việt nam không còn đặt vấn đề ý thức hệ và tư tưởng cộng sản trong quan hệ đối ngoại. Những người gia nhập vào đảng cộng sản ngày nay phần lớn là mang tính cơ hội, họ mong muốn có được địa vị, để được thăng quan tiến chức, làm giàu qua việc mua bán chức quyền, tham nhũng. Tôi đã hỏi nhiều đảng viên trẻ tuổi về lý tưởng cộng sản của họ là gì? họ không trả lời được. Như vậy cả về kinh tế và ý thức hệ thì cộng sản Việt Nam ngày càng thất bại.

Anh Hoàng Hà:

Về mặt kinh tế, không ai phủ nhận được là sau 20 năm đổi mới, sau khi chính sách ngăn sông cấm chợ, một chính sách đặc trưng của xã hội chủ nghĩa bị bãi bỏ, người dân có cơ hội để làm ăn kiếm sống thoải mái hơn, thì bộ mặt xã hội VN đã có nhiêu thay đổi. Nhưng theo LS thì những thay đổi đó thực sự mang ý nghĩa gì, khi mà trước năm 1975, những nước trong vùng cũng chỉ có trình độ phát tiển tương đương, hoặc hơn kém chút ít so với với miền nam VN. Nay họ bỏ xa ta hàng chục năm. Đặc biệt là Singgapore, vào thập niện 60, họ chưa hình thành là 1 quốc gia, đất đai thì còn là vùng hoang giả, mà nay ta phải mất 197 năm mới theo kịp họ của ngày hôm nay . Như vậy, ý nghĩa thực sự của 20 năm đổi mới là gì khi mà dân tộc càng ngày càng bị tụt hậu?

Luật sư Đài: So với nền kinh tế Việt Nam của thời điểm năm 1986 và sau 20 năm thì nền kinh tế của Việt Nam có phát triển, nhưng so với những nền kinh tế trong khu vực có cùng xuất phát điểm cộng nguồn lực về con người và tài nguyên thiên nhiên thì nền kinh tế Việt Nam bị tụt hậu nghiêm trọng. Ý nghĩa thực sự của 20 năm đổi mới là làm cho những người cộng sản có chức quyền, con cháu và người thân của họ ngày càng giàu có, trở thành những ông chủ, còn người dân Việt Nam, đất nước, dân tộc ngày càng tụt hậu, tài nguyên thiên nhiên bị huỷ hoại, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đạo đức xã hội bị suy thoái, các thế con cháu tương lai của nước Việt ngày càng suy yếu do môi trường, lương thực, thực phẩm, rau quả bị ô nhiễm và không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

Anh Hoàng Hà: Vẫn về vấn đề đổi mới, đảng cộng sản luôn luôn tự hào là đã có công phát khởi và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới. Thế nhưng trước khi đổi mới 20 năm, tức là năm 1966, ở Thái Bình người dân đã tự động đổi mới, đem lại những thành quả lạc quan, thì cuộc đổi mới đó đã bị đảng nghiền nát, và sau này ở miền Nam, những hiện tượng làm ăn xé rào của ngưòi dân miền Nam , vốn đã quen với nền kinh tế thị trường trước năm 1975, cũng đã bị đảng trù dập nặng tay.Như vậy, theo LS thì đảng cộng sản VN có thực sự là người khởi phát và lãnh đạo công cuộc đổi mới hay không?

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt nam, dân tộc Việt Nam luôn cần cù chịu khó, đồng thời cũng rất năng động sáng tạo trong xây dựng và phát triển kinh tế, nhưng chỉ vì sự cai trị sai lầm của chế độ đương thời vào lúc đó mà đất nước và dân tộc chúng luôn luôn tụt hậu và phải đuổi theo các nước khác. Vào thời điểm năm 1986, sau 10 năm khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nếu không từ bỏ kiểu kinh tế tập chung quan liêu bao cấp, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ, chế độ cộng sản cũng khó mà tồn tại được. Do vậy việc đổi mới nền kinh tế vào năm 1986 là đòi hỏi của thực tiễn lúc bấy giờ, và cũng là đòi của nhân dân Việt Nam buộc đảng cộng sản phải có nghĩa vụ chấp hành. Đáng lẽ ra đảng cộng sản phải cảm ơn nhân dân Việt nam thì mới đúng, không có dân tộc nào trên thế giới có thể chấp nhận sự lãnh đạo sai lầm của một chính đảng trong nhiều thập kỷ như vậy.

Còn những thành tựu kinh tế đạt được phải do nỗ lực chung của cả dân tộc, nếu đất nước Việt Nam có dân chủ thực sự cùng với sự đổi mới về kinh tế thì chắc chắn nền kinh tế Việt nam đã vượt xa hơn ngày hôm nay rất nhiều.

Tại sao đảng cộng sản không đặt câu hỏi là nếu không có họ cùng với sự sai lầm của họ trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế của Việt Nam thì đất nước, dân tộc Việt nam sẽ ra sao? Nhiều người có cùng quan điểm với tôi là không có họ thì Việt Nam đã có thể trở thành cường quốc của châu Á, và trên thế giới rồi.

Anh Hoàng Hà: Sau 20 năm đổi mới, đảng cộng sản VN đã có đại hội 10 vào tháng tư năm 2006 với thành phần nhân sự trẻ trung hơn. Xin LS cho thính giả biết nhận định của LS về thành phần lãnh đạo mới này và những chính sách của họ. Đây là nhận định quan trọng, vì thành phần lãnh đạo và chính sách này sẽ có ảnh hưởng toàn bộ trên các vấn đề của đất nước trong những năm trước mặt.

Luật sư Đài: Những người lãnh đạo được coi là trẻ hiện nay của chính phủ cộng sản Việt Nam thì họ đã từng làm cấp phó, hoặc gắn bó với thế hệ lãnh đạo trước trong rất nhiều năm, có người đến 10 năm, nhưng nếu xem những thành tích của họ trong quá khứ thì không có gì nổi trội, nếu không muốn nói là có nhiều sai lầm và thất bại. Cộng sản Việt nam thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tập thể và cùng chịu trách nhiệm, cho nên một vài các nhân dù có xuất sắc thì cũng không thể vượt qua được thể chế do họ tạo ra. Vấn đề mấu chốt là phải thay đổi hệ thống chính trị hiện nay, chấp nhận có đa nguyên, đa đảng có sự cạnh tranh lành mạnh trong sinh hoạt chính trị thì lúc đó mới nói đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như sự ổn định chính trị.

Anh Hoàng Hà: Bây giờ sang đến các lực lượng đấu tranh cho dân chủ. Thưa LS, năm 2006 cũng là năm có những chuyển biến vô cùng to lớn của phòng trào đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam mà trong 50 năm trước đó, hay ngay cả trong những năm đầu của thế kỷ 21 không ai có thể nghĩ là nó có thể xẩy ra. Xin LS cho thính giả của đài biết nhận định của LS về những thành tựu, khó khăn của phong trào đầu tranh cho dân chủ, đặc biệt là sự ra đời của những thực thể đấu tranh như khối 8406, các tờ báo độc lập như tờ tự do ngôn luận, tự do dân chủ, Tổ Quốc và sau đó là sự hình thành của Liên Minh Dân chủ Nhân QuyềnVN và các đảng phái chính trị như đảng Thăn TiếnVN, các tổ chức độc lập như công đoàn, v.v.v.....

Luật sư Đài: Trong năm 2006 là thời khắc lịch sử vàng son cho sự ra đời của các tổ chức, đảng phái chính trị, tổ chức bảo vệ nhân quyền và những tờ báo độc lập ở trong nước. Mặc dù dưới sự cai trị hà khắc của đảng cộng sản, nhưng những người đấu tranh DC trong nước đã bất chấp những nguy hiểm về sinh mạng chính trị của mình và gia đình để thành lập lên các tổ chức chính trị dân chủ và báo chí độc lập. Đó là những thành tựu vượt bực trong suốt hơn 30 năm dưới sự cai trị của đảng cộng sản trên cả nước Việt Nam mà phong trào DC chưa bao giờ có được. Nhưng những khăn trước mắt còn nhiều, do đảng cộng sản ko chịu ngồi yên cho PTDC hoạt động và phát triển, họ đã và đang ra sức chống phá, gây khó khăn cho những người đấu tranh DC và người thân của họ. Nhưng với lương tâm, trách nhiệm với tổ quốc và dân tộc, cộng với sự can đảm và sẵn sàng hy sinh những quyền lợi cá nhân của mình, những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền hoàn toàn tin tưởng vào con đường chính nghĩa mà mình đã lựa chọn. Chắc chắn toàn thể đồng bào Viêt Nam ở trong nước và hải ngoại sẽ ủng hộ, dân chủ hoá Việt Nam sẽ thành công.

Anh Hoàng Hà: Xin LS cho các nhận định của mình lần lượt theo thứ tự thời gian về sự ra đời của các thực thể đấu tranh vừa kể. trước hết là khối 8406.

- Các tờ báo độc lập;

- Sự xuất hiện của các đảng phái chính trị (như đảng Thăng Tiến Việt Nam;

- Liên Minh dân chủ và nhân quyền VN; …

Luật sư Đài: Trước đòi hỏi phải tập hợp những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước, ngày 8-4-2006 Tuyên TDDC cho VN được công bố trước nhân dân Việt Nam và thế giới, từ đó Khối 8406 được hình thành. Để đáp ứng nhu cầu về đấu tranh tư tưởng và cung cấp thông tin chính xác, trung thực cho người dân trong và ngoài nước, do vậy báo Tự do ngôn luận được phát hành mà không cần sự cấp phép của chính quyền cộng sản. Đấu tranh chính trị thì phải có tổ chức, đảng phái chính trị, trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 1-6-2006 đảng Dân chủ VN phục hồi hoạt động và đổi tên thành đảng Dân chủ XXI. Đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội, ngày 2-9 Tập san Tự do DC ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước, tiếp đó ngày 8-9-2006 đảng Thăng Tiến công khai hoạt động, ngày 16-9-2006 Liên minh DCNQ VN ra đời tập hợp các tổ chức, đảng phái dân chủ phi công sản lại để tăng cường sự đoàn kết và sức mạnh đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Để bảo vệ quyền lợi của tầng công nhân và người lao động VN, ngày 20 tháng 10 Công đoàn độc lập ra đời và ngày 10-11-2006, Hội đoàn kết công Nông ra đời. Kết thúc năm 2006 là sự ra đời của Ủy ban NQVN vào ngày 10-12-2006. Sự ra đời của các tổ chức, đảng phái chính trị, các tổ chức bảo vệ nhân quyền trong năm 2006 là sự đòi hỏi của thực tiễn cách mạng dân chủ Việt Nam, điều này đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời cũng đã nhận được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế, chính phủ các nước và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Những sự kiện đó là không thể đảo ngược, không có một bộ máy cường quyền nào có thể ngăn cản và dập tắt được.

Anh Hoàng Hà: Về phía đấu tranh có một sự kiện đáng chú ý nữa là trong năm vừa qua, hoà Thượng Thích Quảng Độ đã được trao giải nhân quyền Rafto, đây là ngưỡng cửa để đi đến giải Nbel hoà bình. LS nhận định thế nào về sự kiện này

Luật sư Đài: Đây là 1 sự kiện quan trọng cho phong trào dân chủ VN, nó cho thấy sự quan tâm, chú ý và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với phong trào DCVN. Trong lúc PTDCVN còn non trẻ và yếu thì sự quan tâm, giúp đỡ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quan trọng thậm chí quyết định đến sự tồn tại và phát triển của phong trào. Việc HT Thích Quảng Độ được tặng giải thưởng Rafto đó là niềm vinh dự HT nói riêng và cả phong trào DCVN nói chung. Năm 2007, mà HT Thích Quảng Độ được giải thưởng Nobel thì đó là sự kiện trọng đại cho cá nhân Hoà Thượng Thích Quảng Độ và cả phong trào DCVN. Điều đó là nguồn cổ vũ lớn lao cho tất cả mọi người đang đấu tranh và cả những người còn đang lưỡng lự chưa gia nhập vào phong trào.

Anh Hoàng Hà: Chúng tôi vừa nhận được thư của Khối 8406 Thư Khối 8406 cảm ơn

Các Tổ chức, Cá nhân Quốc nội & Hải ngoại & Đẩy mạnh hơn Cao trào Tẩy chay Bầu cử độc đảng 2007. Là một thành viên của Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, xin luật sư trình bày quan điểm của mình liên quan đến vấn đề này

Luật sư Đài: Việc kêu gọi tẩy chay bầu cử QH độc đảng đã có từ ngay sau khi Khối 8406 được hình thành, và gần đây thì Khối 8406 kêu gọi mạnh mẽ hơn cả trong quốc nội và hải ngoại. Trong khi đó có rất nhiều nhóm hoạt động dân chủ khác thì đang vận động để có nhiều người không phải cộng sản ra ứng cử. Việc ra ứng cử thì rễ, nhưng trúng cử thì là điều không thể, chính quyền cộng sản sẽ sử dụng nhiều biện pháp để loại các ứng cử viên độc lập vì tôi cũng đã từng tự ứng cử năm 1997 và đã bị loại từ vòng đầu tiên. Nhưng quan điểm của cá nhân tôi là nên ra ứng cử xem chính quyền cộng sản sẽ sử dụng thủ đoạn nào để loại các ứng cử viên độc lập, rồi sau đó sẽ tẩy chay hoặc tố cáo họ gian lận bầu cử như vậy cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn.

Anh Hoàng Hà: Là một người từng bị ngăn cản không cho đi ra ngoại quốc, LS có nhận định thế nào về việc Giáo sư Nguyễn Chính Kết xuất ngoại vừa qua ?

Luật sư Đài: Giáo sư Nguyễn Chính Kết cũng đã tham khảo ý kiến của tôi trước khi xuất cảnh, còn việc thực hiện như thế nào hoàn toàn do giáo sư Kết quyết định. Trong hoàn cảnh hiện nay thì không thể có bất cứ một người đấu tranh DC nào có thể xuất cảnh ra nước ngoài được nữa, đặc biệt là sau sự việc của giáo sư Kết. Do vậy việc giáo sư Nguyễn Chính Kết đại diện cho LMDCNQ VN ra nước ngoài để vận động đồng bào hải ngoại, chính phủ các nước và tổ chức quốc tế ủng hộ cho Liên Minh là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, cá nhân tôi ủng hộ việc làm của giáo sư Nguyễn Chính Kết.

Anh Hoàng Hà: Sau những nhận định về cả hai phía : đảng cộng sản VN và phong trào đầu tranh cho dân chủ tại VN mà LS vừa đưa ra, xin LS cho thính giả của đài biết nhãn quan của LS đối với tình hình đất nước trong năm 2007 ra sao.

Luật sư Đài: Trong năm 2007, các tổ chức, đảng phái chính trị, tổ chức bảo vệ nhân quyền ở trong nước sẽ phải di vào hoạt động thực chất trong việc xây dựng tổ chức, phát triển phong trào. Có rất nhiều tín hiệu khả quan cho sự phát triển của phong trào, chúng tôi có những kênh thăm dò dư luận xã hội khác nhau, và kết quả cho thấy sự ủng hộ của mọi từng lớp nhân dân với tiến trình dân chủ hoá đất nước là rất tích cực, ngày càng có nhiều bạn trẻ liên hệ với chúng tôi và gia nhập phong trào, trong đó có nhiều người đang làm việc trong chính quyền và bộ máy của đảng cộng sản. Chúng tôi hết sức lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển của phong trào DC trong năm 2007.

Anh Hoàng Hà: Và sau cùng mời LS có một kết cho buổi thảo luận hôm nay trước khi chúng ta chào tạm biệt quý thính giả của đài

Luật sư Đài: Tôi chân thành cảm ơn anh Hoàng Hà và đài Tiếng nước tôi đã cho tôi cơ hội được tham gia chương trình ngày hôm nay, cảm ơn quí thính giả đã theo dõi câu chuyện của chúng tôi. Nhân dịp năm mới 2007 và Xuân Đinh Hợi đang đến gần, tôi xin kính chúc quí vị thính giả trong nước và đồng bào hải ngoại một năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của đồng bào hải ngoại trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại VN. Xin tạm biệt và gặp quí thính giả vào một dịp khác.

Trả lời phỏng vấn Đối Thoại về giáo dục Việt Nam

Kính thưa quý thính giả, tình trạng giáo dục tại Việt Nam có gì đổi mới sau khi tân Bộ trưởng Giáo dục là ông Nguyễn Thiện Nhân lên nắm chức vụ này từ Đại hội 10 của đảng CSVN?

Xin mời quý thính giả và độc giả của Đối Thoại Online theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với luật sư Nguyễn Văn Đài hiện thường trú tại Hà Nội. Ông là một luật sư chuyên trách về nhân quyền và các vụ kiện oan sai của nhân dân và là thành viên của Khối 8406 đồng thời là biên tập viên của Tập san Tự Do Dân Chủ. Và hơn tất cả, luật sư Nguyễn Văn Đài là một người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam không ngừng nghỉ.

Duy Khang: Xin kính chào luật sư. Trong tập san Dân Chủ số 2, một phụ huynh học sinh đã đặt vấn đề hiện nay đảng CSVN đã từ bỏ tôn vinh tư tưởng Mác – Lê là đỉnh cao trí tuệ của loài người, cho nên phụ huynh yêu cầu Bộ giáo dục ngoài hệ tư tưởng Mác – Lê cho con em họ học những tư tưởng khác để bắt kịp thời đại.

Thưa luật sự, tình trạng giáo dục về hệ tư tưởng CS có gì thay đổi hay có triển vọng gì thay đổi trong tương lai gần ạ?

Ls Nguyễn Văn Đài: Thưa anh Duy Khang cũng như quý thính giả, theo tôi được biết thì trong dư luận xã hội thì đã có rất nhiều bậc phụ huynh, sinh viên, các nhà khoa học giáo dục đặc biệt là những người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đang đòi hỏi là phải loại bỏ chương trình giáo dục về hệ tư tưởng Mác-Lê Nin ra khỏi các trường học phổ thông cũng như bậc đại học ở Việt Nam.

Đấy là đòi hỏi thứ nhất. Thứ hai là giảm bớt thời gian học về tư tưởng Mác-Lê đồng thời đưa các hệ tư tưởng khác vào giảng dạy trong trường một cách bình đẳng như hệ tư tưởng Mác-Lê Nin để cho học sinh, sinh viên có sự tự do lựa chọn. Nhưng trên thực tiễn thì sinh viên vẫn phải học rất nhiều về những môn như kinh tế chính trị Mác-Lê Nin, triết học Mác-Lê Nin, chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Đối với các sinh viên trường khoa học tự nhiên thường họ phải mất năm đầu tiên, còn các trường đại học xã hội thì họ học mất hai năm. Như vậy là họ mất rất nhiều thời gian để học những môn – theo quan điểm của tôi đó rất là vô bổ.

Đồng thời sau khi 4 hoặc 5 năm học, trước khi ra trường thì sinh viên đều phải thi tốt nghiệp một trong những môn như chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa xã hội khoa học hay tư tưởng HCM. Đặc biệt là trước khi họ nhận bằng tốt nghiệp thì họ phải học thêm 3 ngày nữa về chính trị, tức là về tư tưởng HCM nếu họ muốn lấy được bằng.

Trong giai đoạn khi công cuộc đấu tranh và vận động cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam đang lên rất cao, đồng thời sự hoạt động tích cực của những người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền cho đất nước, thì những người cộng sản rất lo sợ. Bởi vì sinh viên Việt Nam thì họ rất nhạy bén đối với những tình hình mới cho nên họ buộc phải dùng hệ tư tưởng cũ, lạc hậu để thống trị những tư tưởng của người dân.

Theo tôi thì trong những năm tới đây thì cũng chưa có sự thay đổi nào đáng kể trong việc giảng dạy cũng như học tập hệ tư tưởng Mác – Lê Nin ở trong các trường phổ thông cũng như các trường đại học ở Việt Nam .

Duy Khang: Hiện nay văn bằng tiến sĩ ở Việt Nam có quá nhiều, khoảng từ 15,000 đến 20,000 và dư luận cho rằng có rất nhiều “văn bằng thiệt nhưng học giả”. Theo luật sư thì dư luận đó có đúng hay không? Và nếu cần một giải pháp để rà soát lại thì giải pháp nào tốt nhất, thưa luật sư?

Ls Nguyễn Văn Đài: Dư luận về chuyện các bằng cấp bậc tiến sĩ ở Việt Nam về bằng thật nhưng kiến thức giả thì nó đã có từ rất lâu rồi, từ khi những năm vào thập kỷ 80 khi phần lớn các bằng tiến sĩ Việt Nam đều được làm ở các nước Liên Xô hoặc các nước XHCN Đông Âu cũ thì khi đó tôi đã nghe dư luận nói về chuyện này. Bởi vì phần lớn những nghiên cứu sinh Việt Nam sang đó, học thì ít nhưng họ đi buôn bán, làm ăn thì nhiều. Họ dùng tiền để mua những bằng đó. Dư luận này thì có từ rất lâu rồi.

Còn làm sao để biết trong thời gian gần đây khi trong nước bắt đầu triển khai đào tạo bằng tiến sĩ thì việc bằng thật và kiến thức giả thì nó lại càng nổi lên rất nhiều. Bởi vì ở Việt Nam khi tuyển lựa cán bộ thì họ không dựa trên các tiêu chí như về năng lực thực tiễn, kiến thức hay những luận án tốt nghiệp mang tính chất áp dụng thực tiễn hay không mà họ chỉ dựa vào bằng cấp. Tất cả đều mang tính chất rất hình thức. Cho nên những người học thì bận rộn mãi mê đi kiếm tiền và mua quan bán chức thì họ đâu có thời gian để họ tập trung vào đầu tư nghiên cứu về những đề tài mà họ mong muốn. Do đó những bằng đó thì thật nhưng kiến thức sâu rộng thì không có gì cả.

Làm sao để thống kê, làm sao để kiểm soát được tình hình như vậy thì nó phải thay đổi từ gốc của nó, đó là thay đổi hệ thống chính trị. Khi tuyển chọn cán bộ công chức thì người ta phải dựa trên năng lực thực tiễn của người cán bộ đó chớ không nhìn vào những hồ sơ bằng cấp mà người cán bộ đó nộp cho cơ quan tuyển chọn. Chỉ có thay đổi như vậy hoặc thông qua các kỳ thi tuyển một cách trực tiếp, người nào có tài, có năng lực thì sẽ được tuyển dụng. Thì lúc đó mới có thể thay đổi được tình trạng bằng thật mà kiến thức giả hiện nay ở Việt Nam.

Duy Khang: Thưa luật sư, vấn đề giáo dục ở Việt Nam hiện là một rừng vấn đề, nhưng theo luật sư thì vấn đề hàng đầu là vấn đề gì ạ?

Ls Nguyễn Văn Đài: Thể chế giáo dục ở Việt Nam thì nó chỉ là một hiện tượng bên ngoài phản ánh bản chất bản chất của hệ thống chính trị ở bên trong thì ở Việt Nam chưa có tự do dân chủ thật sự cho nên giáo dục cũng bị áp đặt những gì mà Đảng CS cầm quyền họ mong muốn duy trì quyền lực của họ, mục đích là làm sao để cho tầng lớp thế hệ trẻ Việt Nam họ không quan tâm đến tự do dân chủ. Và mục đích của cái giáo dục không phải là họ có chiến lược cho quốc gia, chiến lược cho dân tộc mà là chiến lược duy trì quyền lực của Đảng CS. Cho nên vấn đề lớn nhất của Việt Nam là phải thay đổi được cái hệ thống chính trị thiết lập một nhà nước dân chủ thì lúc đó nền dân chủ VN mới được cải cách thật sự, còn mọi sự hô hào cải cách trong thực tiễn nếu như không thay đổi căn bản hệ thống chính trị thì hô hào đó chỉ dừng lại ở mức độ hình thức thôi.

Duy Khang: Thưa luật sư, ông tân bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã tỏ ra năng động từ ngày nhận nhiệm vụ, luật sư có tin rằng ông tân bộ trưởng sẽ giải quyết được vấn đề giáo dục không ạ?

Ls Nguyễn Văn Đài: Vâng, từ khi ông tân bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân lên nắm quyền thì ông có rất là sốt sắng, năng động trong nhiều vấn đề. Nhưng mà vấn đề mấu chốt ở đây đó là ông được trao bao nhiêu quyền lực trong việc vấn đề cải cách giáo dục? Bởi vì về mặt Đảng, ông ta chỉ là uỷ viên trung ương thôi, ông ta không nằm trong bộ chính trị , mà tất cả các vấn đề ở Việt Nam từ giáo dục, an ninh quốc phòng, đến mọi thứ đều do bộ chính trị quyết định tất cả. Rồi các uỷ viên trung ương mà nắm các bộ chỉ triển khai những chỉ thị của trung ương. Còn nếu như việc cải cách, hay những việc làm sốt sắng của ông Nguyễn Thiện Nhân mà đụng chạm hay làm ảnh hưởng đến hệ thống chính trị của Đảng CS thì chắc chắn ý tưởng của ông ấy sẽ không được thực hiện trong thực tiễn, cho nên vấn đề là ông ta được trao bao nhiêu quyền lực là cái việc cải cách giáo dục được cấp trên của ông ta chỉ thị cho đến đâu, chứ bản thân ông ta, tự ông ta sẽ không làm được chuyện gì cả.

Duy Khang: Thưa luật sư, nhân dân vẫn nghe, học đường vẫn nói đến vấn đề tự do dân chủ ở trong trung học, đại học, theo luật sư Đảng CSVN lý giải như thế nào về độc quyền lãnh đạo trong điều 4 hiến pháp hay là người CS có định nghĩa khác về dân chủ, thưa luật sư?

Ls Nguyễn Văn Đài: Vâng, trong hiến pháp nước Việt Nam năm 1992 điều 4 quy định Đảng CS là lực lượng tiên phong của giai cấp nông dân, công nhân và trí thức là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hôi. Căn cứ điều này thì bộ máy của Đảng CS mà đặc biệt là bộ chính trị họ can thiệp vào tất cả mọi lãnh vực trong đời sống xã hội từ các cơ quan nhà nước, quốc hội, chính phủ, cảnh sát công an quân đội đến các tổ chức đoàn thể xã hội. Đối với đất nước có dân chủ tức là do người dân của nước mình làm chủ, quyền lực của người dân được thể hiện thông qua lá phiếu của họ, mỗi kỳ bầu cử nhân dân sẽ trao quyền cho một cá nhân hay là một Đảng phái nào đó để người đó làm thuê phục vụ cho người dân, nếu như nhiệm vụ của họ không hoàn thành thì nhân dân có quyền thay thế. Thế mà ở Việt Nam thì chỉ có một Đảng duy nhất là Đảng CS, họ đã tự ghi tên họ vào trong điều 4 hiến pháp, tự trao cho mình cái quyền lãnh đạo và điều hành đất nước cho nên là ở Việt Nam thì đảng Cộng Sản làm chủ chứ không phải là nhân dân Việt Nam làm chủ. Cho nên tất cả mọi định nghĩa khái niệm về dân chủ của những người Cs đưa ra thì nó chẳng có giá trị gì cả. Bởi vì đất nước này không phải do nhân dân làm chủ bởi vì nhân dân không có quyền lựa chọn, không có một sự lựa chọn nào khác ngoài sự lựa chọn đảng Cộng Sản.

Cho nên mặc dù trong lịch sử cũng như hiện nay đảng CS đã có rất nhiều sai lầm, về kinh tế, chính trị, ngoại giao để Việt Nam vẫn còn nằm trong những nước nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới. Tệ nạn tham nhũng thì diễn ra ở khắp các cấp các ngành ở mọi địa phương. Đạo đức, lối sống xã hội thì ngày càng bị suy thoái. Cuộc sống người dân dân thì không được đảm bảo, về lương thực, thực phẩm… tất cả mọi thứ đều bị ô nhiểm. Nói chung cuộc sống của người dân về vấn đề an toàn thì không có gì đảm bảo nhưng người dân lại không có quyền để thay thế người làm thuê – người đày tớ của mình. Như vậy, theo quan điểm của tôi, tất cả mọi danh nghĩa của người CS đưa ra về một xã hội dân chủ đều không có ý nghĩa.

Một đất nước có dân chủ là phải xây dựng trên cơ sở người dân làm chủ thật sự và trong đó phải có nhiều đảng phái chính trị cạnh tranh với nhau. Mọi người dân đều được quyền bày tỏ hay đều được quyền tham gia vào tiến trình chung xây dựng một nhà nước xã hội. Và người dân sẽ là người trọng tài, hay người chủ, có quyền quyết định lựa chọn ai là người quản trị đất nước này và nếu người đó không hoàn thành thì người dân có quyền xử phạt người đó bằng cách loại họ ra khỏi chính trường.

Quan điểm của tôi là như vậy.

Duy Khang: Không còn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, nhân đây chúng tôi cũng xin thay mặt quý thính giả và độc giả của Đối Thoại Online xin kính chúc luật sư và gia đình một mùa Giáng Sinh thật bình an và nhiều sức khỏe. Xin cám ơn luật sư đã dành thời giờ cho buổi trao đổi hôm nay. Xin kính chào và hẹn gặp lại ông trong dịp khác.

Ls Nguyễn Văn Đài: Cảm ơn anh Duy Khang và quý vị thính giả.

(20-12-2006) Chào Năm mới 2007

CHÀO NĂM MỚI 2007

Hà Nội, ngày 20-12-2006

Thời khắc đón chào năm mới 2007 đang đến gần, và năm 2006 đang dần khép lại với những sự kiện nổi bật trong năm về sự phát triển của phong trào dân chủ Việt Nam. Tạp chí Time của Á châu đã nhận xét: “ tương lai khi công cuộc dân chủ hoá Việt Nam thành công thì ngày 8 tháng 4 năm 2006 sẽ đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam”. Ngày 8-4-2006 bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam đã được công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới, Khối 8406 ra đời tạo đà cho đảng Dân chủ Việt Nam khôi phục hoạt động và đổi tên thành đảng Dân chủ XXI, và từ đó lần lượt đến đảng Thăng Tiến được thành lập và công khai hoạt động trong nước. Tiếp đến là Công đoàn độc lập, Hội đoàn kết Công Nông, Ủy ban Nhân quyền Việt Nam, Hội dân oan Việt Nam. Mặc dù một số Ủy viên trung ương của đảng Dân chủ Nhân dân bị bắt, nhưng một số còn lại cũng đã công khai hoạt động của mình. Việc ra đời và công khai hoạt động của các chính đảng dân chủ, tổ chức chính trị, tổ chức bảo vệ nhân quyền là sự phát triển vượt bậc của phong trào dân chủ Việt Nam, điều này sẽ tạo điều kiện cho sự trưởng thành và phát triển trong năm 2007 và những năm tiếp theo hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam tự do, dân chủ với thể chế chính trị đa đảng, các quyền con người được tôn trọng và bảo vệ. Tạo ra một luật chơi công bằng mà trong đó tất cả mọi người dân đều có cơ hội ngang nhau để tham gia ứng cử vào các vị trí lãnh đạo từ trung ương đến địa phương thông bầu cử tự do, dân chủ và công bằng dưới sự giám sát của quốc tế. Với niềm tin rằng công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam chắc chắn sẽ thành công bởi những lý do sau:

Thứ nhất, những yếu tố giúp cho đảng cộng sản thống trị và duy trì quyền lực trong những thập kỷ vừa qua đang ngày càng suy yếu và tan dã. Các yếu tố đó là: Độc quyền về kinh tế; độc quyền về tư tưởng; dùng vũ lực để khủng bố và trấn áp những người đối lập.

- Độc quyền về kinh tế: Từ năm 1986 bắt đầu mở cửa về kinh tế đã giúp cho nền kinh tế tư nhân của Việt Nam và cùng với tư bản nước ngoài đầu tư vào ngày càng phát triển mạnh mẽ, tỷ trọng trong nền kinh tế của tư bản trong nước và tư bản nước ngoài tại Việt Nam đang dần chiếm ưu thế vượt trội so với các doanh nghiệp do đảng cộng sản kiểm soát. Đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, với cam kết sau 12 năm Việt Nam sẽ trở thành một nền kinh tế thị trường thực sự. Sự độc quyền về kinh tế của đảng cộng sản đang dần dần bị thu hẹp và tiến tới bị xoá bỏ hoàn toàn. Đảng cộng sản không còn kiểm soát nền kinh tế theo ý muốn của họ được nữa, mà nền kinh tế Việt Nam phải được vận hành theo qui luật của nền kinh tế thị trường. Đảng cộng sản khi mất độc quyền về kinh tế thì tất yếu sẽ mất độc quyền về chính trị.

- Độc quyền về tư tưởng: Đảng cộng sản đang kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông ở Việt Nam như báo chí, phát thanh, truyền hình,… Họ sử dụng truyền thông để tuyên truyền cho đường lối, chính sách và tư tưởng của họ. Nhưng ngày nay cuộc cách mạng về công nghệ truyền thông ngày một phát triển mạnh mẽ, không còn khoảng cách giữa các quốc gia, không có một giải pháp nào có thể ngăn cản được thông tin trong và ngoài nước. Đặc biệt giới trẻ Việt Nam với khao khát tìm kiếm thông tin và tri thức bên ngoài, họ đã vượt qua mọi trở ngại để tìm những điều họ muốn. Sự độc quyền về giảng dạy các môn học chính trị như chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bực học phổ thông và đại học chỉ còn mang tính hình thức. Học sinh, sinh viên không có hứng thú với những môn học này, họ bị bắt buộc phải học và họ không còn nhớ những gì đã học sau khi đã trả bài thi cho thầy cô. Sự độc quyền về tư tưởng trong truyền thông và giáo dục đã bị phá vỡ, sự suy yếu là điều tất yếu.

- Việc khủng bố và trấn áp những người đối lập: Biện pháp trấn áp những người đối lập nhiều năm trước đây tỏ ra hiệu quả bởi điều này gây ra nỗi sợ hãi cho người dân. Người dân không dám ủng hộ những người hoạt động đối lập khi họ được tuyên truyền đó là những thành phần phản động, chống lại tổ quốc. Nhưng ngày hôm nay nhận thức của người đã thay đổi, họ không còn tin vào bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản nữa, mà có nhiều người dân còn công khai ủng hộ những người đối lập. Đồng thời những người đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở trong nước ngày một nâng cao bản lĩnh cũng như kinh nghiệm. Họ nhận được sự ủng hộ của người thân, bạn bè, những người xung quanh họ và đặc biệt sự ủng của cộng đồng quốc tế và người Việt hải ngoại. Những người đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền luôn sẵn sàng chấp nhận sự sách nhiễu từ phía chính quyền cộng sản như việc triệu tập thẩm vấn, cắt điện thoại, internet, bị đuổi việc, khám nhà, tịch thu điện thoại, máy tính, máy ảnh,…Thậm trí sẵn sàng bị bắt và ngồi tù như anh Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, … và gần đây nhiều anh em bị bắt như Phạm Bá Hải, Vũ Ngọc Quang, Vũ Hoàng Hải, Trương Quốc Huy, … Khủng bố, trấn áp và tù đầy không bao giờ làm họ bị nao núng, sờn lòng nhưng làm cho ý trí, quyết tâm của họ nâng cao hơn bao giờ hết, tất cả họ đều tin rằng ngày mà cả dân tộc Việt Nam sẽ được hưởng tự do, dân chủ thực sự không còn bao xa nữa.

Thứ hai, những vấn nạn xã hội: Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm và là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam. Tham nhũng đang lan tràn khắp nơi, ở mọi nghành, mọi cấp, nó làm suy thoái lối sống và đạo đức xã hội. Mà những quan chức tham nhũng 100% là đảng viên cộng sản. Niềm tin của nhân dân vào đảng cộng sản giảm sút nghiêm trọng, nhân dân đang mong muốn có sự thay đổi về chính trị.

Thứ ba, áp lực đổi mới nằm ngay trong nội bộ của đảng cộng sản, áp lực từ giới trí thức, khoa học, đòi hỏi quyền chính trị của giới chủ doanh nghiệp. Áp lực từ cộng đồng quốc tế bên ngoài buộc chính quyền cộng sản phải tôn trọng các quyền con người của người dân trong nước.

Thứ tư, tính chính nghĩa của công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam: Xây dựng đất nước Việt Nam có tự do, dân chủ với thể chính trị đa nguyên và ở trong đó các quyền con người được tôn trọng và bảo vệ đó là chân lý và là khát vọng, ý nguyện của cả dân tộc Việt Nam, nó phù hợp với tiến trình phát triển lịch sử xã hội của loài người. Không có một bộ máy đàn áp cường quyền nào có thể ngăn được. Vì tính chính nghĩa của công cuộc đấu tranh này nên sẽ được cả dân tộc Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước ủng hộ. Đồng thời cũng được toàn thể nhân dân và chính phủ các nước trên thế giới ủng hộ.

Công cuộc đấu tranh dân chủ hoá đất nước thành công sớm hay muộn, điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức tham gia chính trị của người dân, trong đó thế hệ trẻ Việt Nam nắm vai trò quyết định. Tham gia chính trị để xây dựng Tổ quốc Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay đối với tương lai của dân tộc Việt Nam. Thế hệ trẻ Việt Nam không thể thờ ơ trước vận mệnh của dân tộc. Cơ hội và sứ mệnh lịch sử đang được trao vào tay họ.

Nguyễn Văn Đài, luật sư từ Hà Nội.

Quyền tự do thành lập đảng(tiếng Việt - English)

Quyền tự do thành lập đảng ở Việt Nam.

Hà nội, ngày 21-4-2006

Trong những tháng đầu năm 2006, chúng ta đã chứng kiến sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của phong trào vận động cho thể chế dân chủ trong nước, có sự tham gia của cả đảng viên Cộng sản và người ngoài đảng. Mục tiêu cũng như khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam là xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, công bằng và bác ái với một thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng. Để đạt được mục tiêu và khát vọng đó thì phải khôi phục lại sự hoạt động của các đảng chính trị từng có ở Việt Nam trước đây như đảng Xã hội, đảng Dân chủ, Quốc Dân Đảng, Đại Việt, … và phải có sự ra đời của những đảng phái chính trị mới. Tôi là một luật sư hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo trong nhiều năm. Dưới đây, tôi đưa ra những nghiên cứu và quan điểm của cá nhân tôi về quyền tự do thành lập đảng ở Việt Nam trong lịch sử và theo Hiến pháp, pháp luật hiện hành. Tôi mong muốn có sự đóng góp ý kiến cũng như tranh luận của các luật sư, các nhà nghiên cứu pháp luật trong và ngoài nước nhằm cổ vũ cho sự khôi phục lại hoạt động cũng như sự thành lập mới của các đảng phái chính trị ở Việt Nam.

1/ Về mặt lịch sử:

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam có rất nhiều đảng phái chính trị cùng hoạt động bình đẳng với đảng Cộng sản, và tất cả điều có mục tiêu chung là dành độc lập dân tộc. Và ngày 2-9-1945 trong Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo Hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được ; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập nǎm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là : mọi Dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền hạnh phúc và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp nǎm 1791 cũng nói : "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi ; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được…”.

(Trích Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qui định tại Điều 1:“ Tất cả mọi quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống , gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”

Điều 5 qui định:“ Tất cả công dân Việt Nam đều ngang bằng về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa.”

Điều 7:“ Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền....”

Như vậy ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trong bản Hiến pháp đầu tiên, đại đa số nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và khẳng định Việt Nam là một thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng. Và điều này đã được cụ thể trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đó là một chính phủ đa đảng. Trong chính phủ đó ngoài Quốc dân đảng chỉ hiện diện trong một thời gian ngắn, còn đảng Xã hội và đảng Dân chủ đã hoạt động và tồn tại cùng với đảng Cộng sản cho đến năm 1988, là năm họ đã tự tuyên bố giải thể với lý do đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử(dù trong thực tế có thể có những lý do khác). Sự ra đời của các đảng chính trị trước đây, bao gồm cả đảng Cộng sản dưới thời Pháp thuộc là dựa vào sự ủng hộ của lực lượng quần chúng mà họ làm đại diện, sau đó họ tuyên bố thành lập chứ không phải theo một thủ tục pháp lý nào, và cũng không có bất kỳ một cơ quan nào để đăng ký hay cấp phép cho họ. Bản thân đảng Cộng sản đã được thành lập ở Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam.

Như vậy, cách đây hơn 60 năm, trên đất nước Việt Nam của chúng ta đã từng có một chính phủ dân chủ, đa đảng với một bản Hiến pháp hết sức tiến bộ mà lại trong bối cảnh đất nước lúc đó thù trong, giặc ngoài. Ngày nay, trong một đất nước hòa bình, thống nhất và xu thế dân chủ hóa diễn ra trên tòan cầu, thì không thể có lý do gì để hạn chế hay ngăn cản nhân dân Việt Nam xây dựng một xã hội dân chủ và đa đảng để cho tất cả mọi người dân đều có cơ hội tham gia vào xây dựng Tổ quốc.

2/ Về mặt pháp luật hiện hành:

Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam hiện nay không có Điều nào cấm hay hạn chế công dân của mình thành lập một đảng chính trị. Như vậy công dân Việt Nam có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Trong Hiến pháp Việt Nam hiện nay:

Điều 2 qui định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…”

Điều 50 qui định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, … được tôn trọng…”

Điều 53 qui định: “ Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội,…”

Điều 69 qui định: “Công dân có quyền tự do lập hội,..”

Như vậy mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân và của nhân dân, người dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước bằng cách lập những đảng chính trị khác nhau để đại diện cho mình. Vì trong Hiền pháp không có qui định cấm các đảng chính trị khác thành lập và hoạt động. Điều 4 Hiến pháp qui định đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhưng không qui định ở Việt Nam chỉ duy nhất có một đảng Cộng sản được tồn tại và phát triển. Như vậy đảng Cộng sản cũng chỉ là một tổ chức chính trị bình đẳng với các đảng phái và tổ chức chính trị khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

3/ Thực tiễn:

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, cả về khía cạnh lịch sử cũng như pháp lý, chưa bao giờ có thực tế sảy ra là một đảng chính trị này cho phép hay đồng ý cho một đảng chính trị khác ra đời hay thành lập. Mà các đảng chính trị được thành lập trên cơ sở có sự ủng hộ của một bộ phận người dân mà họ làm đại diện.

Thông thường ở các nước, các đảng phái chính trị được tự do thành lập. Và ở một số nước, họ có Tòa án Hiến pháp là nơi để các đảng chính trị đăng ký hoạt động hoặc Ủy ban bầu cử trung ương là nơi để các đảng chính trị đăng ký khi tham gia tranh cử.

Hiện tại, đảng Cộng sản Việt Nam có khoảng 3 triệu đảng viên so với khoảng 83 triệu người Việt Nam, như vậy đảng cộng sản chỉ đại diện cho một bộ phận rất nhỏ dân số Việt Nam. Trong khi đó còn khoảng 80 triệu người Việt Nam có rất nhiều những ý kiến khác, những quan điểm khác về xây dựng đất nước, và họ có quyền có một hoặc nhiều chính đảng khác, ngoài đảng Cộng sản để đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của họ.

Do vậy cả về khía cạnh lịch sử, khía cạnh pháp lý và thực tiễn, mọi người dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng,… đều đã và đang có quyền tự do thành lập đảng.

4/ Làm thế nào để thành lập được một đảng chính trị ở Việt Nam?

Đây là câu hỏi mà hiện nay rất nhiều người Việt Nam đang tìm câu trả lời. Theo nghiên cứu của cá nhân tôi thì cách làm dưới đây có thể phù hợp:

Trước hết là những công dân nào muốn hành lập một đảng chính trị mới, họ nên đứng ra thành lập một Ủy ban gọi là Ủy ban vận động thành lập đảng(việc thành lập Ủy ban này không phải xin phép). Uỷ ban này sau khi soạn thảo ra Điều lệ đảng và cương lĩnh tạm thời thì đưa ra cho quần chúng nhân dân để lấy sự ủng hộ. Ủy ban nên đặt ra khi thu được bao nhiêu chữ ký ủng hộ(ví dụ là 100, 500 hay 100.000,…) thì đủ để công bố thành lập đảng và làm lễ ra mắt trước tòan thể nhân dân Việt Nam và bè bạn Quốc tế.

Trước những đòi hỏi bức xúc của quá trình dân chủ hóa đất nước, những thành viên cũ cuả đảng Dân chủ và đảng Xã hội cùng với hậu duệ của họ hoàn toàn có quyền để khôi phục lại hoạt động của đảng Xã hội và đảng Dân chủ. Những thành viên của hai đảng này chỉ cần ra tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và thế giới về việc khôi phục lại hoạt động của họ mà không cần phải xin phép hay đăng ký vì lý do đơn giản trước đây họ tự giải tán thì nay họ có quyền tự phục hồi hoạt động của họ.

Việt Nam trong xu thế tất yếu đi đến một xã hội dân chủ với thể chế chính trị đa đảng đó là chân lý, mà chân lý thì không một ai có thể phủ nhận hoặc chối bỏ được. Tôi tin rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tự đứng lên để nắm lấy quyền và cơ hội của mình, đừng bao giờ thụ động ngồi chờ vào sự ban cho của người khác.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/04/060425_quyenlapdang.shtml

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Văn phòng luật sư Thiên Ân - Đoàn luật sư Hà Nội

10 Đoàn Trần Nghiệp - Hà Nội, Việt Nam

Mobile: 84-953-753-179

Email: lawyerdaivn@gmail.com

http://www.nguyenvandai.blogspot.com

The Right to Establish Political Parties

In the first few months of 2006, we have witnessed a robust development and coming of age of the democratic movement inside Viet-Nam that includes people both within and without the Communist party. The goal and aspiration of the entire Vietnamese populace is to build a free, fair democratic, and humane society under a pluralist, multi party system. In order to achieve those goal and aspiration, we must reestablish the operation of political parties that had existed before, such as the Socialist, Democratic, Vietnamese Nationalist Party, Dai Viet, etc. as well as the birth of new political parties.

I am an attorney who has practiced in the area of human rights and freedom of religion for many years. Following, I am presenting my views and findings regarding the right to establish political parties in history and in accordance with the constitution and current laws. I earnestly hope for the contribution as well as the debate from other attorneys, jurists, legislators, political analysts both in and outside of Viet-Nam in the hope of promoting the restoration of activities, as well as the establishment of new political parties in Viet-Nam.

1) Historical Precedent:

Before the August Revolution of 1945 in Viet-Nam, there were numerous political parties who operated on equal footing with the Communist party, all shared the same goal of independence for Vietnamese people. And on September 2, 1945, in the first declaration of independence for the Democratic Republic of Viet-Nam, president Ho chi Minh declared to the people of Viet-Nam and the world: “All men are created equal. Their creator has endowed them with unalienable rights, among these are, the right to life, liberty and the pursuit of happiness. Those immortal words are taken from the American declaration of independence in 1776. To expound further, it means all the people in the world are all born equal, that any race has the right to exist, the right to happiness and liberty. The declaration of civil and human rights of the French Revolution of 1791 also states: “People are born equal in rights; they must always have their freedom and equal rights.” Those are words that no one can deny…”

(Excerpt from the Democratic Republic of Viet-Nam’s Declaration of Independence of September 2, 1945)

The first Constitution of the Democratic Republic of Viet-Nam in 1946 stipulates in Article 1: “All the rights in our country belong to the entire Vietnamese populace, without regard to race, sex, wealth, status, class or religion.”

Article 5 prescribes: “ All the citizens of Viet-Nam are equal in all spheres: politics, economics, culture.”

Article 7: “All Vietnamese citizens are equal before the law, all have the right to participate in government…”

Thus right from the start, beginning with the Declaration of Independence that gave birth to the Democratic Republic of Viet-Nam’s and the first constitution, the majority of the Vietnamese people have chosen and affirmed that Viet-Nam is a pluralist, multi-party political system. This fact is concretized in the first establishment of government of the Democratic Republic of Viet-Nam as a pluralist government. In that government, aside from the Nationalist party, which existed only for a short period, the Socialist and Democratic parties have operated and coexisted with the Communist party until 1988, which was the year they self disbanded after proclaiming that they had completed their historical purposes (although in reality there maybe other reasons)

The emergence of past political parties, including the Communist party under French colonial rule, relied on the support of the populace which they represented, and subsequently and automatically proclaimed their formation, but not for having followed any legal procedures nor been duly registered or granted permission by any legal entity. The very establishment of the Vietnamese Communist Party was done in China, not in Viet-Nam.

Thus, more than 60 years ago, on Vietnamese soil (in our country), we had had a democratic government, multi party with a very progressive constitution given the background of internal strife and external threats. Today, in a peaceful and unified country and a general democratization movement worldwide, there is no reason to restrict or prevent the people of Viet-Nam from establishing a civil society, democratic and pluralist, allowing all people the chance to participate in the development of our fatherland.

2) Regarding current laws

Presently, there are no clause or provision in the constitution and laws of Viet-Nam that prohibit or restrict the citizenry from founding a political party. Therefore the citizens of Viet-Nam have the right to implement whatever the law does not forbid. In the current constitution of Viet-Nam:

Article 2 establishes: The government of the Socialist Republic of Viet-Nam is the government of the people, for the people, and by the people. All the power and rights of the government belong to the people…”

Article 50 stipulates: “In the Socialist Republic of Viet-Nam, the political rights of the people… are respected…”

Article 53 states: “Citizens have the right to participate and manage the government and society…”

Article 69 determines: “Citizens have the right to form associations…”

Therefore all the power of the State belongs to the people and derives its power from the people; the people have the right to participate and manage the state by forming different political parties to represent themselves, since there are no law or provision in the constitution that prohibit the formation and operation of other parties.

Article 4 states that the Communist Party of Viet-Nam assumes the leadership role for the State and society but it does not specify that the Communist party is the only organization that should exist and develop. Therefore the Communist party is just a political organization that is on the same rank with other parties and organizations that operate within the framework of the constitution and the law.

3) In reality:

In the evolution of human civilization, based on both historical and legal aspects, there has never been a political entity that legitimizes or confers the right for another political party to exist or operate. The political parties are established based on the support of a segment of a population that they represent.

Normally in many countries, political parties are free to form. And in a number of countries, they have a constitutional court where people can register to operate or they have a central electoral committee, where different parties can register and compete for votes. Presently the Vietnamese Communist Party has roughly 3 millions members out of a population of 83 millions Vietnamese, so the party only garners a small percentage of Vietnamese population. While there are 80 millions people who possess many ideas and different perspectives on how to develop Viet-Nam, and they have the right to belong to one or various legitimate parties - aside from the communist party - to represent their rights and their voices.

Therefore based on historical, legal and practical aspects, all Vietnamese regardless of race, gender, religions or beliefs…did and do have the right to form parties.

How to establish a political party in Viet-Nam?

This is a question that many Vietnamese are seeking answer. Based on my personal findings, perhaps the following methods are appropriate:

First of all, any and all citizens who would like to form a new political party should start to establish a Committee that is called the Committee to campaign for the organization of Parties (this committee does not need to get permission) After drafting temporary by-laws and guidelines, this committee should circulate them in public to enlist support . The Committee should prescribe a certain number to reach (100, 500, or 100.000, etc.) before they can inaugurate their party in front of the people of Viet-Nam friends and supporters around the world.

In the face of pressing and frustrating demands for the democratization process for Viet-Nam. the old members of the Democratic and Socialist parties and their descendants have complete right to restore the activities of their parties. Members of these two parties need only to declare in front of the people of Viet-Nam and the world their need to restore their operation without asking for permission or registration simply because they had disbanded on their own accord in the past, so now they can self restore their activities.

“Viet-Nam in the inexorable march towards a civil and democratic society based on a pluralist, multi-party system is the self-evident truth. And once that truth is out no one can deny its existence. I believe the young generation of Viet-Nam will rise up on their own volition to seize their power and opportunity, they will not wait passively for the blessing of others.”

In the first few months of 2006, we have witnessed a robust development and coming of age of the democratic movement inside Viet-Nam that includes people both within and without the Communist party. The goal and aspiration of the entire Vietnamese populace is to build a free, fair democratic, and humane society under a pluralist, multi party system. In order to achieve those goal and aspiration, we must reestablish the operation of political parties that had existed before, such as the Socialist, Democratic, etc... as well as the birth of new political parties.

I am an attorney who has practiced in the area of human rights and freedom of religion for many years. Following, I am presenting my views and findings regarding the right to establish political parties in history and in accordance with the constitution and current laws. I earnestly hope for the contribution as well as the debate from other attorneys, jurists, legislators, political analysts both in and outside of Viet-Nam in the hope of promoting the restoration of activities, as well as the establishment of new political parties in Viet-Nam.

1) Historical Precedent:

Before the August Revolution of 1945 in Viet-Nam, there were numerous political parties who operated on equal footing with the Communist party, all shared the same goal of independence for Vietnamese people. And on September 2, 1945, in the first declaration of independence for the Democratic Republic of Viet-Nam, president Ho chi Minh declared to the people of Viet-Nam and the world: “All men are created equal. Their creator has endowed them with unalienable rights, among these are, the right to life, liberty and the pursuit of happiness. Those immortal words are taken from the American declaration of independence in 1776. To expound further, it means all the people in the world are all born equal, that any race has the right to exist, the right to happiness and liberty. The declaration of civil and human rights of the French Revolution of 1791 also states: “People are born equal in rights; they must always have their freedom and equal rights.” Those are words that no one can deny…”

(Excerpt from the Democratic Republic of Viet-Nam’s Declaration of Independence of September 2, 1945)

The first Constitution of the Democratic Republic of Viet-Nam in 1946 stipulates in Article 1: “All the rights in our country belong to the entire Vietnamese populace, without regard to race, sex, wealth, status, class or religion.”

Article 5 prescribes: “ All the citizens of Viet-Nam are equal in all spheres: politics, economics, culture.”

Article 7: “All Vietnamese citizens are equal before the law, all have the right to participate in government…”

Thus right from the start, beginning with the Declaration of Independence that gave birth to the Democratic Republic of Viet-Nam’s and the first constitution, the majority of the Vietnamese people have chosen and affirmed that Viet-Nam is a pluralist, multi-party political system. This fact is concretized in the first establishment of government of the Democratic Republic of Viet-Nam as a pluralist government. In that government, aside from the Nationalist party, which existed only for a short period, the Socialist and Democratic parties have operated and coexisted with the Communist party until 1988, which was the year they self disbanded after proclaiming that they had completed their historical purposes (although in reality there maybe other reasons)

The emergence of past political parties, including the Communist party under French colonial rule, relied on the support of the populace which they represented, and subsequently and automatically proclaimed their formation, but not for having followed any legal procedures nor been duly registered or granted permission by any legal entity. The very establishment of the Vietnamese Communist Party was done in China, not in Viet-Nam.

Thus, more than 60 years ago, on Vietnamese soil (in our country), we had had a democratic government, multi party with a very progressive constitution given the background of internal strife and external threats. Today, in a peaceful and unified country and a general democratization movement worldwide, there is no reason to restrict or prevent the people of Viet-Nam from establishing a civil society, democratic and pluralist, allowing all people the chance to participate in the development of our fatherland.

2) Regarding current laws

Presently, there are no clause or provision in the constitution and laws of Viet-Nam that prohibit or restrict the citizenry from founding a political party. Therefore the citizens of Viet-Nam have the right to implement whatever the law does not forbid. In the current constitution of Viet-Nam:

Article 2 establishes: The government of the Socialist Republic of Viet-Nam is the government of the people, for the people, and by the people. All the power and rights of the government belong to the people…”

Article 50 stipulates: “In the Socialist Republic of Viet-Nam, the political rights of the people… are respected…”

Article 53 states: “Citizens have the right to participate and manage the government and society…”

Article 68 determines: “Citizens have the right to form associations…”

Therefore all the power of the State belongs to the people and derives its power from the people; the people have the right to participate and manage the state by forming different political parties to represent themselves, since there are no law or provision in the constitution that prohibit the formation and operation of other parties.

Article 4 states that the Communist Party of Viet-Nam assumes the leadership role for the State and society but it does not specify that the Communist party is the only organization that should exist and develop. Therefore the Communist party is just a political organization that is on the same rank with other parties and organizations that operate within the framework of the constitution and the law.

3) In reality:

In the evolution of human civilization, based on both historical and legal aspects, there has never been a political entity that legitimizes or confers the right for another political party to exist or operate. The political parties are established based on the support of a segment of a population that they represent.

Normally in many countries, political parties are free to form. And in a number of countries, they have a constitutional court where people can register to operate or they have a central electoral committee, where different parties can register and compete for votes. Presently the Vietnamese Communist Party has roughly 3 millions members out of a population of 83 millions Vietnamese, so the party only garners a small percentage of Vietnamese population. While there are 80 millions people who possess many ideas and different perspectives on how to develop Viet-Nam, and they have the right to belong to one or various legitimate parties - aside from the communist party - to represent their rights and their voices.

Therefore based on historical, legal and practical aspects, all Vietnamese regardless of race, gender, religions or beliefs…did and do have the right to form parties.

4) How to establish a political party in Viet-Nam?

This is a question that many Vietnamese are seeking answer. Based on my personal findings, perhaps the following methods are appropriate:

First of all, any and all citizens who would like to form a new political party should start to establish a Committee that is called the Committee to campaign for the organization of Parties (this committee does not need to get permission) After drafting temporary by-laws and guidelines, this committee should circulate them in public to enlist support . The Committee should prescribe a certain number to reach (100, 500, or 100.000, etc.) before they can inaugurate their party in front of the people of Viet-Nam friends and supporters around the world.

In the face of pressing and frustrating demands for the democratization process for Viet-Nam. the old members of the Democratic and Socialist parties and their descendants have complete right to restore the activities of their parties. Members of these two parties need only to declare in front of the people of Viet-Nam and the world their need to restore their operation without asking for permission or registration simply because they had disbanded on their own accord in the past, so now they can self restore their activities.

“Viet-Nam in the inexorable march towards a civil and democratic society based on a pluralist, multi-party system is the self-evident truth. And once that truth is out no one can deny its existence. I believe the young generation of Viet-Nam will rise up on their own volition to seize their power and opportunity, they will not wait passively for the blessing of others.”