Tuesday, January 16, 2007

Dân trí và chế độ dân chủ ở Việt Nam

Hà nội, ngày 1-6-2006

Trong bài viết trước của tôi về công dân Việt Nam có quyền tự do thành lập đảng, đã nhận được những ý kiến đóng góp tích cực từ nhiều phía, và trong đó chủ yếu là những ý kiến ủng hộ đa đảng hay phản đối việc đa đảng.

Những ý kiến phản đối việc đa đảng thì cho rằng do trình độ dân trí còn thấp, người dân chưa đủ khả năng và hiểu biết về một xã hội dân chủ nên việc đa đảng sẽ gây ra nhiều bất ổn trong xã hội.

Trong bài viết này tôi sẽ đưa ra những minh chứng cho việc người dân Việt Nam hoàn toàn có đủ tri thức và khả năng để tiếp thu và xây dựng một Nhà nước dân chủ, đa đảng.

Trước hết, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử của dân tộc về những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Lúc đó dưới sự áp bức, cai trị của chủ nghĩa thực dân, nhu cầu đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc để dành độc lập đã lan rộng trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức.

Truyền thống đa dạng

Những phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh tuy không giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng nó là một tác nhân cho phong trào thành lập các chính đảng sau này.

Năm 1930 đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Trung Quốc, cuối thập niên 30 và sang đầu thập niên 40, một loạt các chính đảng được thành lập ở Việt Nam như: Quốc Dân Đảng, Đại Việt, đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội, … Tất cả chúng ta ai cũng biết là lúc đó cuộc sống người dân Việt Nam nghèo nàn và lạc hậu, trên 80% dân số mù chữ và cả dân tộc đang bị cai trị một cách hà khắc của chủ nghĩa thực dân. Nhưng với tấm lòng yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc, một loạt các đảng phái chính trị đã ra đời để đấu tranh cho mục tiêu dành độc lập dân tộc.

Và đến năm 1945, Chính phủ và Quốc hội đa đảng đã được thành lập ở Việt Nam. Ở miền Bắc sau năm 1954 và trên cả nước sau năm 1975 cho đến năm 1988, tuy vẫn còn giữ cơ chế Chính phủ và Quốc hội đa đảng, nhưng việc cạnh tranh dân chủ giữa các đảng đã không còn nữa. Tuy nhiên, ở miền Nam việc bầu cử tự do và cạnh tranh dân chủ giữa các đảng phái vào Chính phủ và Quốc hội vẫn được duy trì cho đến trước 30-4-1975.

Chúng ta có thể thấy rằng trong thế kỷ trước người dân Việt Nam đã từng làm quen và xây dựng chế độ dân chủ đa đảng, mặc dù lúc đó dân trí thấp, lạc hậu, mù chữ, thông tin bị giới hạn.

Sau 30-4-1975, khoảng 2 triệu người Việt Nam đã di cư đến các quốc gia phát triển, với thể chế chính trị dân chủ, đa đảng. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã hòa nhập rất nhanh vào nền văn hóa, kinh tế và chính trị của nước sở tại. Đại đa số đã thành đạt về kinh tế, và nhiều người đã thành đạt về chính trị, nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền.

Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, có hàng trăm nghìn lao động và sinh viên Việt Nam làm việc và học tập ở Liên Xô cũ và các nước Cộng sản đông Âu. Sau khi những nước trên chuyển sang chế độ dân chủ, đa đảng, thì cộng đồng người Việt ở đó cũng đã hòa nhập nhanh chóng vào nền chính trị dân chủ mà họ không hề bỡ ngỡ hay gặp khó khăn gì. Và hiện nay đang có hàng trăm nghìn lao động Việt Nam đang sống và làm việc rất bình thường ở những nước dân chủ, đa đảng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan.

Qua những minh chứng ở trên, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam có đủ tri thức, kinh nghiệm, khả năng và tinh thần yêu nước để xây dựng một chế độ dân chủ, đa đảng.

Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc chiến chống lại sự nghèo nàn, lạc hậu, nạn tham nhũng và sự thoái về đạo đức đang quyết định đến vận mệnh của cả dân tộc, hoặc là chúng ta sẽ vươn lên để đuổi kịp các nước phát triển, hoặc là chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu, và làm thuê cho họ.

Khi đảng Cộng sản đã tỏ ra bất lực và không có khả năng trong cuộc chiến đó thì sự ra đời của các đảng phái chính trị sẽ phát huy sức mạnh của cả dân tộc để xây dựng một Nhà nước dân chủ, từ đó sẽ là tiền đề cho đất nước Việt Nam phát triển và cất cánh đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/05/060523_dantri_danchu.shtml

No comments: