Kính thưa quý thính giả, tình trạng giáo dục tại Việt Nam có gì đổi mới sau khi tân Bộ trưởng Giáo dục là ông Nguyễn Thiện Nhân lên nắm chức vụ này từ Đại hội 10 của đảng CSVN?
Xin mời quý thính giả và độc giả của Đối Thoại Online theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với luật sư Nguyễn Văn Đài hiện thường trú tại Hà Nội. Ông là một luật sư chuyên trách về nhân quyền và các vụ kiện oan sai của nhân dân và là thành viên của Khối 8406 đồng thời là biên tập viên của Tập san Tự Do Dân Chủ. Và hơn tất cả, luật sư Nguyễn Văn Đài là một người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam không ngừng nghỉ.
Duy Khang: Xin kính chào luật sư. Trong tập san Dân Chủ số 2, một phụ huynh học sinh đã đặt vấn đề hiện nay đảng CSVN đã từ bỏ tôn vinh tư tưởng Mác – Lê là đỉnh cao trí tuệ của loài người, cho nên phụ huynh yêu cầu Bộ giáo dục ngoài hệ tư tưởng Mác – Lê cho con em họ học những tư tưởng khác để bắt kịp thời đại.
Thưa luật sự, tình trạng giáo dục về hệ tư tưởng CS có gì thay đổi hay có triển vọng gì thay đổi trong tương lai gần ạ?
Ls Nguyễn Văn Đài: Thưa anh Duy Khang cũng như quý thính giả, theo tôi được biết thì trong dư luận xã hội thì đã có rất nhiều bậc phụ huynh, sinh viên, các nhà khoa học giáo dục đặc biệt là những người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đang đòi hỏi là phải loại bỏ chương trình giáo dục về hệ tư tưởng Mác-Lê Nin ra khỏi các trường học phổ thông cũng như bậc đại học ở Việt Nam.
Đấy là đòi hỏi thứ nhất. Thứ hai là giảm bớt thời gian học về tư tưởng Mác-Lê đồng thời đưa các hệ tư tưởng khác vào giảng dạy trong trường một cách bình đẳng như hệ tư tưởng Mác-Lê Nin để cho học sinh, sinh viên có sự tự do lựa chọn. Nhưng trên thực tiễn thì sinh viên vẫn phải học rất nhiều về những môn như kinh tế chính trị Mác-Lê Nin, triết học Mác-Lê Nin, chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Đối với các sinh viên trường khoa học tự nhiên thường họ phải mất năm đầu tiên, còn các trường đại học xã hội thì họ học mất hai năm. Như vậy là họ mất rất nhiều thời gian để học những môn – theo quan điểm của tôi đó rất là vô bổ.
Đồng thời sau khi 4 hoặc 5 năm học, trước khi ra trường thì sinh viên đều phải thi tốt nghiệp một trong những môn như chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa xã hội khoa học hay tư tưởng HCM. Đặc biệt là trước khi họ nhận bằng tốt nghiệp thì họ phải học thêm 3 ngày nữa về chính trị, tức là về tư tưởng HCM nếu họ muốn lấy được bằng.
Trong giai đoạn khi công cuộc đấu tranh và vận động cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam đang lên rất cao, đồng thời sự hoạt động tích cực của những người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền cho đất nước, thì những người cộng sản rất lo sợ. Bởi vì sinh viên Việt Nam thì họ rất nhạy bén đối với những tình hình mới cho nên họ buộc phải dùng hệ tư tưởng cũ, lạc hậu để thống trị những tư tưởng của người dân.
Theo tôi thì trong những năm tới đây thì cũng chưa có sự thay đổi nào đáng kể trong việc giảng dạy cũng như học tập hệ tư tưởng Mác – Lê Nin ở trong các trường phổ thông cũng như các trường đại học ở Việt Nam .
Duy Khang: Hiện nay văn bằng tiến sĩ ở Việt Nam có quá nhiều, khoảng từ 15,000 đến 20,000 và dư luận cho rằng có rất nhiều “văn bằng thiệt nhưng học giả”. Theo luật sư thì dư luận đó có đúng hay không? Và nếu cần một giải pháp để rà soát lại thì giải pháp nào tốt nhất, thưa luật sư?
Ls Nguyễn Văn Đài: Dư luận về chuyện các bằng cấp bậc tiến sĩ ở Việt Nam về bằng thật nhưng kiến thức giả thì nó đã có từ rất lâu rồi, từ khi những năm vào thập kỷ 80 khi phần lớn các bằng tiến sĩ Việt Nam đều được làm ở các nước Liên Xô hoặc các nước XHCN Đông Âu cũ thì khi đó tôi đã nghe dư luận nói về chuyện này. Bởi vì phần lớn những nghiên cứu sinh Việt Nam sang đó, học thì ít nhưng họ đi buôn bán, làm ăn thì nhiều. Họ dùng tiền để mua những bằng đó. Dư luận này thì có từ rất lâu rồi.
Còn làm sao để biết trong thời gian gần đây khi trong nước bắt đầu triển khai đào tạo bằng tiến sĩ thì việc bằng thật và kiến thức giả thì nó lại càng nổi lên rất nhiều. Bởi vì ở Việt Nam khi tuyển lựa cán bộ thì họ không dựa trên các tiêu chí như về năng lực thực tiễn, kiến thức hay những luận án tốt nghiệp mang tính chất áp dụng thực tiễn hay không mà họ chỉ dựa vào bằng cấp. Tất cả đều mang tính chất rất hình thức. Cho nên những người học thì bận rộn mãi mê đi kiếm tiền và mua quan bán chức thì họ đâu có thời gian để họ tập trung vào đầu tư nghiên cứu về những đề tài mà họ mong muốn. Do đó những bằng đó thì thật nhưng kiến thức sâu rộng thì không có gì cả.
Làm sao để thống kê, làm sao để kiểm soát được tình hình như vậy thì nó phải thay đổi từ gốc của nó, đó là thay đổi hệ thống chính trị. Khi tuyển chọn cán bộ công chức thì người ta phải dựa trên năng lực thực tiễn của người cán bộ đó chớ không nhìn vào những hồ sơ bằng cấp mà người cán bộ đó nộp cho cơ quan tuyển chọn. Chỉ có thay đổi như vậy hoặc thông qua các kỳ thi tuyển một cách trực tiếp, người nào có tài, có năng lực thì sẽ được tuyển dụng. Thì lúc đó mới có thể thay đổi được tình trạng bằng thật mà kiến thức giả hiện nay ở Việt Nam.
Duy Khang: Thưa luật sư, vấn đề giáo dục ở Việt Nam hiện là một rừng vấn đề, nhưng theo luật sư thì vấn đề hàng đầu là vấn đề gì ạ?
Ls Nguyễn Văn Đài: Thể chế giáo dục ở Việt Nam thì nó chỉ là một hiện tượng bên ngoài phản ánh bản chất bản chất của hệ thống chính trị ở bên trong thì ở Việt Nam chưa có tự do dân chủ thật sự cho nên giáo dục cũng bị áp đặt những gì mà Đảng CS cầm quyền họ mong muốn duy trì quyền lực của họ, mục đích là làm sao để cho tầng lớp thế hệ trẻ Việt Nam họ không quan tâm đến tự do dân chủ. Và mục đích của cái giáo dục không phải là họ có chiến lược cho quốc gia, chiến lược cho dân tộc mà là chiến lược duy trì quyền lực của Đảng CS. Cho nên vấn đề lớn nhất của Việt Nam là phải thay đổi được cái hệ thống chính trị thiết lập một nhà nước dân chủ thì lúc đó nền dân chủ VN mới được cải cách thật sự, còn mọi sự hô hào cải cách trong thực tiễn nếu như không thay đổi căn bản hệ thống chính trị thì hô hào đó chỉ dừng lại ở mức độ hình thức thôi.
Duy Khang: Thưa luật sư, ông tân bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã tỏ ra năng động từ ngày nhận nhiệm vụ, luật sư có tin rằng ông tân bộ trưởng sẽ giải quyết được vấn đề giáo dục không ạ?
Ls Nguyễn Văn Đài: Vâng, từ khi ông tân bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân lên nắm quyền thì ông có rất là sốt sắng, năng động trong nhiều vấn đề. Nhưng mà vấn đề mấu chốt ở đây đó là ông được trao bao nhiêu quyền lực trong việc vấn đề cải cách giáo dục? Bởi vì về mặt Đảng, ông ta chỉ là uỷ viên trung ương thôi, ông ta không nằm trong bộ chính trị , mà tất cả các vấn đề ở Việt Nam từ giáo dục, an ninh quốc phòng, đến mọi thứ đều do bộ chính trị quyết định tất cả. Rồi các uỷ viên trung ương mà nắm các bộ chỉ triển khai những chỉ thị của trung ương. Còn nếu như việc cải cách, hay những việc làm sốt sắng của ông Nguyễn Thiện Nhân mà đụng chạm hay làm ảnh hưởng đến hệ thống chính trị của Đảng CS thì chắc chắn ý tưởng của ông ấy sẽ không được thực hiện trong thực tiễn, cho nên vấn đề là ông ta được trao bao nhiêu quyền lực là cái việc cải cách giáo dục được cấp trên của ông ta chỉ thị cho đến đâu, chứ bản thân ông ta, tự ông ta sẽ không làm được chuyện gì cả.
Duy Khang: Thưa luật sư, nhân dân vẫn nghe, học đường vẫn nói đến vấn đề tự do dân chủ ở trong trung học, đại học, theo luật sư Đảng CSVN lý giải như thế nào về độc quyền lãnh đạo trong điều 4 hiến pháp hay là người CS có định nghĩa khác về dân chủ, thưa luật sư?
Ls Nguyễn Văn Đài: Vâng, trong hiến pháp nước Việt Nam năm 1992 điều 4 quy định Đảng CS là lực lượng tiên phong của giai cấp nông dân, công nhân và trí thức là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hôi. Căn cứ điều này thì bộ máy của Đảng CS mà đặc biệt là bộ chính trị họ can thiệp vào tất cả mọi lãnh vực trong đời sống xã hội từ các cơ quan nhà nước, quốc hội, chính phủ, cảnh sát công an quân đội đến các tổ chức đoàn thể xã hội. Đối với đất nước có dân chủ tức là do người dân của nước mình làm chủ, quyền lực của người dân được thể hiện thông qua lá phiếu của họ, mỗi kỳ bầu cử nhân dân sẽ trao quyền cho một cá nhân hay là một Đảng phái nào đó để người đó làm thuê phục vụ cho người dân, nếu như nhiệm vụ của họ không hoàn thành thì nhân dân có quyền thay thế. Thế mà ở Việt Nam thì chỉ có một Đảng duy nhất là Đảng CS, họ đã tự ghi tên họ vào trong điều 4 hiến pháp, tự trao cho mình cái quyền lãnh đạo và điều hành đất nước cho nên là ở Việt Nam thì đảng Cộng Sản làm chủ chứ không phải là nhân dân Việt Nam làm chủ. Cho nên tất cả mọi định nghĩa khái niệm về dân chủ của những người Cs đưa ra thì nó chẳng có giá trị gì cả. Bởi vì đất nước này không phải do nhân dân làm chủ bởi vì nhân dân không có quyền lựa chọn, không có một sự lựa chọn nào khác ngoài sự lựa chọn đảng Cộng Sản.
Cho nên mặc dù trong lịch sử cũng như hiện nay đảng CS đã có rất nhiều sai lầm, về kinh tế, chính trị, ngoại giao để Việt Nam vẫn còn nằm trong những nước nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới. Tệ nạn tham nhũng thì diễn ra ở khắp các cấp các ngành ở mọi địa phương. Đạo đức, lối sống xã hội thì ngày càng bị suy thoái. Cuộc sống người dân dân thì không được đảm bảo, về lương thực, thực phẩm… tất cả mọi thứ đều bị ô nhiểm. Nói chung cuộc sống của người dân về vấn đề an toàn thì không có gì đảm bảo nhưng người dân lại không có quyền để thay thế người làm thuê – người đày tớ của mình. Như vậy, theo quan điểm của tôi, tất cả mọi danh nghĩa của người CS đưa ra về một xã hội dân chủ đều không có ý nghĩa.
Một đất nước có dân chủ là phải xây dựng trên cơ sở người dân làm chủ thật sự và trong đó phải có nhiều đảng phái chính trị cạnh tranh với nhau. Mọi người dân đều được quyền bày tỏ hay đều được quyền tham gia vào tiến trình chung xây dựng một nhà nước xã hội. Và người dân sẽ là người trọng tài, hay người chủ, có quyền quyết định lựa chọn ai là người quản trị đất nước này và nếu người đó không hoàn thành thì người dân có quyền xử phạt người đó bằng cách loại họ ra khỏi chính trường.
Quan điểm của tôi là như vậy.
Duy Khang: Không còn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, nhân đây chúng tôi cũng xin thay mặt quý thính giả và độc giả của Đối Thoại Online xin kính chúc luật sư và gia đình một mùa Giáng Sinh thật bình an và nhiều sức khỏe. Xin cám ơn luật sư đã dành thời giờ cho buổi trao đổi hôm nay. Xin kính chào và hẹn gặp lại ông trong dịp khác.
Ls Nguyễn Văn Đài: Cảm ơn anh Duy Khang và quý vị thính giả.
No comments:
Post a Comment