Anh Hoàng Hà: Kính thưa Luật sư, như chúng tôi vừa giới thiệu , chúng ta đang ở những ngày đầu của năm mới dương lịch 2007. Trong năm 2006 vừa qua có khá nhiều biến cố đáng chú ý đối với cả đảng cộng sản Việt Nam lẫn các lực lượng đấu tranh cho dân chủ. Trong buổi hội luận này, với tư cách là một nhà trí thức đấu tranh, xin mời luật sư cho thính giả biết những nhận định của luật sư về các biến cố đáng chú ý. Trước hết là về phía đảng cộng sản Việt Nam. Năm 2006 vừa qua là năm đánh dấu 20 năm chính sách đổi mới. Đương nhiên là đảng cộng sản Việt Nam đã có những tổng kết đầy mầu hồng cho thành tích 20 năm đổi mới của họ, vì ngay cả tổng kết 10 năm thực hiện khẩu hiệu "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa" chấm dứt vào năm 1986 thê thảm như vậy, mà cũng đã trưng ra đầy dẫy những thành tích. Thưa luật sư câu hỏi đặt ra là, sau 20 năm đồi mới đảng cộng sản có thực sự thành công trên con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa mà họ vẫn hô hào và theo đuổi đến nay hay không? Trước hết là về mặt ý thức hệ và tư tưởng , vì đây là 2 lãnh vực vẫn được đảng cộng sản coi là chỉ đạo cho các hành động khác.
Luật sư Nguyễn Văn Đài:
Thưa quí thính giả, theo đánh giá của cá nhân tôi thì sau hai mươi năm đổi mới về kinh tế thì nền kinh tế Việt Nam ngày càng xa rời con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và thực tế là nền kinh tế Việt Nam ngày càng tiến gần, tiến nhanh và tiến vững chắc theo chủ nghĩa tư bản, đặc biệt sẽ nhanh hơn sau khi Việt Nam trở thành viên chính thức của WTO. Hiện nay tỷ trọng về kinh tế ngày càng nghiêng về các nhà tư bản trong nước và các nhà tư bản ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Theo nhận định của tôi thì trong vòng từ 5 tới 7 năm nữa tư bản trong nước và tư bản ngoại quốc sẽ chiếm tỷ trọng áp đảo trong nền kinh tế Việt Nam.
Còn về mặt ý thức hệ và tư tưởng của những người cộng sản, tôi cho rằng bản chất trong con người cộng sản đã thay đổi, ngày nay ý thức hệ và tư tưởng cộng sản chỉ còn trong các viện nghiên cứu, trong các cuộc họp chi bộ, mỗi kỳ đại hội đảng. Trong đối nội họ mang ý thức hệ và tư tưởng cộng sản ra để buộc học sinh, sinh viên phải học, nhằm thống trị về tư tưởng, kéo dài sự cai trị độc đảng của họ, nhưng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, xoá đi khoảng cách giữa các quốc gia, tầng lớp học sinh, sinh viên và trí thức có điều kiện để tiếp cận với thông tin từ thế giới bên ngoài, cho nên việc áp đạt ý thức hệ và tư tưởng cộng sản không còn ý nghĩa như trước đây, và nay nó đã mất tác dụng. Mặt khác họ dùng chiêu bài xây dựng CNXH để loè bịp nhân dân. Trong quan hệ đối ngoại có hai loại: Thứ nhất bất kỳ quốc gia nào mà ủng hộ sự cai trị độc đảng của họ thì là bạn; Thứ hai những quốc gia nào ủng hộ họ trong chuyện buôn bán làm ăn kinh tế thì là đối tác. Cộng sản Việt nam không còn đặt vấn đề ý thức hệ và tư tưởng cộng sản trong quan hệ đối ngoại. Những người gia nhập vào đảng cộng sản ngày nay phần lớn là mang tính cơ hội, họ mong muốn có được địa vị, để được thăng quan tiến chức, làm giàu qua việc mua bán chức quyền, tham nhũng. Tôi đã hỏi nhiều đảng viên trẻ tuổi về lý tưởng cộng sản của họ là gì? họ không trả lời được. Như vậy cả về kinh tế và ý thức hệ thì cộng sản Việt Nam ngày càng thất bại.
Anh Hoàng Hà:
Về mặt kinh tế, không ai phủ nhận được là sau 20 năm đổi mới, sau khi chính sách ngăn sông cấm chợ, một chính sách đặc trưng của xã hội chủ nghĩa bị bãi bỏ, người dân có cơ hội để làm ăn kiếm sống thoải mái hơn, thì bộ mặt xã hội VN đã có nhiêu thay đổi. Nhưng theo LS thì những thay đổi đó thực sự mang ý nghĩa gì, khi mà trước năm 1975, những nước trong vùng cũng chỉ có trình độ phát tiển tương đương, hoặc hơn kém chút ít so với với miền nam VN. Nay họ bỏ xa ta hàng chục năm. Đặc biệt là Singgapore, vào thập niện 60, họ chưa hình thành là 1 quốc gia, đất đai thì còn là vùng hoang giả, mà nay ta phải mất 197 năm mới theo kịp họ của ngày hôm nay . Như vậy, ý nghĩa thực sự của 20 năm đổi mới là gì khi mà dân tộc càng ngày càng bị tụt hậu?
Luật sư Đài: So với nền kinh tế Việt Nam của thời điểm năm 1986 và sau 20 năm thì nền kinh tế của Việt Nam có phát triển, nhưng so với những nền kinh tế trong khu vực có cùng xuất phát điểm cộng nguồn lực về con người và tài nguyên thiên nhiên thì nền kinh tế Việt Nam bị tụt hậu nghiêm trọng. Ý nghĩa thực sự của 20 năm đổi mới là làm cho những người cộng sản có chức quyền, con cháu và người thân của họ ngày càng giàu có, trở thành những ông chủ, còn người dân Việt Nam, đất nước, dân tộc ngày càng tụt hậu, tài nguyên thiên nhiên bị huỷ hoại, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đạo đức xã hội bị suy thoái, các thế con cháu tương lai của nước Việt ngày càng suy yếu do môi trường, lương thực, thực phẩm, rau quả bị ô nhiễm và không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
Anh Hoàng Hà: Vẫn về vấn đề đổi mới, đảng cộng sản luôn luôn tự hào là đã có công phát khởi và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới. Thế nhưng trước khi đổi mới 20 năm, tức là năm 1966, ở Thái Bình người dân đã tự động đổi mới, đem lại những thành quả lạc quan, thì cuộc đổi mới đó đã bị đảng nghiền nát, và sau này ở miền Nam, những hiện tượng làm ăn xé rào của ngưòi dân miền Nam , vốn đã quen với nền kinh tế thị trường trước năm 1975, cũng đã bị đảng trù dập nặng tay.Như vậy, theo LS thì đảng cộng sản VN có thực sự là người khởi phát và lãnh đạo công cuộc đổi mới hay không?
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt nam, dân tộc Việt Nam luôn cần cù chịu khó, đồng thời cũng rất năng động sáng tạo trong xây dựng và phát triển kinh tế, nhưng chỉ vì sự cai trị sai lầm của chế độ đương thời vào lúc đó mà đất nước và dân tộc chúng luôn luôn tụt hậu và phải đuổi theo các nước khác. Vào thời điểm năm 1986, sau 10 năm khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nếu không từ bỏ kiểu kinh tế tập chung quan liêu bao cấp, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ, chế độ cộng sản cũng khó mà tồn tại được. Do vậy việc đổi mới nền kinh tế vào năm 1986 là đòi hỏi của thực tiễn lúc bấy giờ, và cũng là đòi của nhân dân Việt Nam buộc đảng cộng sản phải có nghĩa vụ chấp hành. Đáng lẽ ra đảng cộng sản phải cảm ơn nhân dân Việt nam thì mới đúng, không có dân tộc nào trên thế giới có thể chấp nhận sự lãnh đạo sai lầm của một chính đảng trong nhiều thập kỷ như vậy.
Còn những thành tựu kinh tế đạt được phải do nỗ lực chung của cả dân tộc, nếu đất nước Việt Nam có dân chủ thực sự cùng với sự đổi mới về kinh tế thì chắc chắn nền kinh tế Việt nam đã vượt xa hơn ngày hôm nay rất nhiều.
Tại sao đảng cộng sản không đặt câu hỏi là nếu không có họ cùng với sự sai lầm của họ trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế của Việt Nam thì đất nước, dân tộc Việt nam sẽ ra sao? Nhiều người có cùng quan điểm với tôi là không có họ thì Việt Nam đã có thể trở thành cường quốc của châu Á, và trên thế giới rồi.
Anh Hoàng Hà: Sau 20 năm đổi mới, đảng cộng sản VN đã có đại hội 10 vào tháng tư năm 2006 với thành phần nhân sự trẻ trung hơn. Xin LS cho thính giả biết nhận định của LS về thành phần lãnh đạo mới này và những chính sách của họ. Đây là nhận định quan trọng, vì thành phần lãnh đạo và chính sách này sẽ có ảnh hưởng toàn bộ trên các vấn đề của đất nước trong những năm trước mặt.
Luật sư Đài: Những người lãnh đạo được coi là trẻ hiện nay của chính phủ cộng sản Việt Nam thì họ đã từng làm cấp phó, hoặc gắn bó với thế hệ lãnh đạo trước trong rất nhiều năm, có người đến 10 năm, nhưng nếu xem những thành tích của họ trong quá khứ thì không có gì nổi trội, nếu không muốn nói là có nhiều sai lầm và thất bại. Cộng sản Việt nam thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tập thể và cùng chịu trách nhiệm, cho nên một vài các nhân dù có xuất sắc thì cũng không thể vượt qua được thể chế do họ tạo ra. Vấn đề mấu chốt là phải thay đổi hệ thống chính trị hiện nay, chấp nhận có đa nguyên, đa đảng có sự cạnh tranh lành mạnh trong sinh hoạt chính trị thì lúc đó mới nói đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như sự ổn định chính trị.
Anh Hoàng Hà: Bây giờ sang đến các lực lượng đấu tranh cho dân chủ. Thưa LS, năm 2006 cũng là năm có những chuyển biến vô cùng to lớn của phòng trào đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam mà trong 50 năm trước đó, hay ngay cả trong những năm đầu của thế kỷ 21 không ai có thể nghĩ là nó có thể xẩy ra. Xin LS cho thính giả của đài biết nhận định của LS về những thành tựu, khó khăn của phong trào đầu tranh cho dân chủ, đặc biệt là sự ra đời của những thực thể đấu tranh như khối 8406, các tờ báo độc lập như tờ tự do ngôn luận, tự do dân chủ, Tổ Quốc và sau đó là sự hình thành của Liên Minh Dân chủ Nhân QuyềnVN và các đảng phái chính trị như đảng Thăn TiếnVN, các tổ chức độc lập như công đoàn, v.v.v.....
Luật sư Đài: Trong năm 2006 là thời khắc lịch sử vàng son cho sự ra đời của các tổ chức, đảng phái chính trị, tổ chức bảo vệ nhân quyền và những tờ báo độc lập ở trong nước. Mặc dù dưới sự cai trị hà khắc của đảng cộng sản, nhưng những người đấu tranh DC trong nước đã bất chấp những nguy hiểm về sinh mạng chính trị của mình và gia đình để thành lập lên các tổ chức chính trị dân chủ và báo chí độc lập. Đó là những thành tựu vượt bực trong suốt hơn 30 năm dưới sự cai trị của đảng cộng sản trên cả nước Việt Nam mà phong trào DC chưa bao giờ có được. Nhưng những khăn trước mắt còn nhiều, do đảng cộng sản ko chịu ngồi yên cho PTDC hoạt động và phát triển, họ đã và đang ra sức chống phá, gây khó khăn cho những người đấu tranh DC và người thân của họ. Nhưng với lương tâm, trách nhiệm với tổ quốc và dân tộc, cộng với sự can đảm và sẵn sàng hy sinh những quyền lợi cá nhân của mình, những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền hoàn toàn tin tưởng vào con đường chính nghĩa mà mình đã lựa chọn. Chắc chắn toàn thể đồng bào Viêt Nam ở trong nước và hải ngoại sẽ ủng hộ, dân chủ hoá Việt Nam sẽ thành công.
Anh Hoàng Hà: Xin LS cho các nhận định của mình lần lượt theo thứ tự thời gian về sự ra đời của các thực thể đấu tranh vừa kể. trước hết là khối 8406.
- Các tờ báo độc lập;
- Sự xuất hiện của các đảng phái chính trị (như đảng Thăng Tiến Việt Nam;
- Liên Minh dân chủ và nhân quyền VN; …
Luật sư Đài: Trước đòi hỏi phải tập hợp những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước, ngày 8-4-2006 Tuyên TDDC cho VN được công bố trước nhân dân Việt Nam và thế giới, từ đó Khối 8406 được hình thành. Để đáp ứng nhu cầu về đấu tranh tư tưởng và cung cấp thông tin chính xác, trung thực cho người dân trong và ngoài nước, do vậy báo Tự do ngôn luận được phát hành mà không cần sự cấp phép của chính quyền cộng sản. Đấu tranh chính trị thì phải có tổ chức, đảng phái chính trị, trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 1-6-2006 đảng Dân chủ VN phục hồi hoạt động và đổi tên thành đảng Dân chủ XXI. Đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội, ngày 2-9 Tập san Tự do DC ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước, tiếp đó ngày 8-9-2006 đảng Thăng Tiến công khai hoạt động, ngày 16-9-2006 Liên minh DCNQ VN ra đời tập hợp các tổ chức, đảng phái dân chủ phi công sản lại để tăng cường sự đoàn kết và sức mạnh đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Để bảo vệ quyền lợi của tầng công nhân và người lao động VN, ngày 20 tháng 10 Công đoàn độc lập ra đời và ngày 10-11-2006, Hội đoàn kết công Nông ra đời. Kết thúc năm 2006 là sự ra đời của Ủy ban NQVN vào ngày 10-12-2006. Sự ra đời của các tổ chức, đảng phái chính trị, các tổ chức bảo vệ nhân quyền trong năm 2006 là sự đòi hỏi của thực tiễn cách mạng dân chủ Việt Nam, điều này đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời cũng đã nhận được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế, chính phủ các nước và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Những sự kiện đó là không thể đảo ngược, không có một bộ máy cường quyền nào có thể ngăn cản và dập tắt được.
Anh Hoàng Hà: Về phía đấu tranh có một sự kiện đáng chú ý nữa là trong năm vừa qua, hoà Thượng Thích Quảng Độ đã được trao giải nhân quyền Rafto, đây là ngưỡng cửa để đi đến giải Nbel hoà bình. LS nhận định thế nào về sự kiện này
Luật sư Đài: Đây là 1 sự kiện quan trọng cho phong trào dân chủ VN, nó cho thấy sự quan tâm, chú ý và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với phong trào DCVN. Trong lúc PTDCVN còn non trẻ và yếu thì sự quan tâm, giúp đỡ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quan trọng thậm chí quyết định đến sự tồn tại và phát triển của phong trào. Việc HT Thích Quảng Độ được tặng giải thưởng Rafto đó là niềm vinh dự HT nói riêng và cả phong trào DCVN nói chung. Năm 2007, mà HT Thích Quảng Độ được giải thưởng Nobel thì đó là sự kiện trọng đại cho cá nhân Hoà Thượng Thích Quảng Độ và cả phong trào DCVN. Điều đó là nguồn cổ vũ lớn lao cho tất cả mọi người đang đấu tranh và cả những người còn đang lưỡng lự chưa gia nhập vào phong trào.
Anh Hoàng Hà: Chúng tôi vừa nhận được thư của Khối 8406 Thư Khối 8406 cảm ơn
Các Tổ chức, Cá nhân Quốc nội & Hải ngoại & Đẩy mạnh hơn Cao trào Tẩy chay Bầu cử độc đảng 2007. Là một thành viên của Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, xin luật sư trình bày quan điểm của mình liên quan đến vấn đề này
Luật sư Đài: Việc kêu gọi tẩy chay bầu cử QH độc đảng đã có từ ngay sau khi Khối 8406 được hình thành, và gần đây thì Khối 8406 kêu gọi mạnh mẽ hơn cả trong quốc nội và hải ngoại. Trong khi đó có rất nhiều nhóm hoạt động dân chủ khác thì đang vận động để có nhiều người không phải cộng sản ra ứng cử. Việc ra ứng cử thì rễ, nhưng trúng cử thì là điều không thể, chính quyền cộng sản sẽ sử dụng nhiều biện pháp để loại các ứng cử viên độc lập vì tôi cũng đã từng tự ứng cử năm 1997 và đã bị loại từ vòng đầu tiên. Nhưng quan điểm của cá nhân tôi là nên ra ứng cử xem chính quyền cộng sản sẽ sử dụng thủ đoạn nào để loại các ứng cử viên độc lập, rồi sau đó sẽ tẩy chay hoặc tố cáo họ gian lận bầu cử như vậy cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn.
Anh Hoàng Hà: Là một người từng bị ngăn cản không cho đi ra ngoại quốc, LS có nhận định thế nào về việc Giáo sư Nguyễn Chính Kết xuất ngoại vừa qua ?
Luật sư Đài: Giáo sư Nguyễn Chính Kết cũng đã tham khảo ý kiến của tôi trước khi xuất cảnh, còn việc thực hiện như thế nào hoàn toàn do giáo sư Kết quyết định. Trong hoàn cảnh hiện nay thì không thể có bất cứ một người đấu tranh DC nào có thể xuất cảnh ra nước ngoài được nữa, đặc biệt là sau sự việc của giáo sư Kết. Do vậy việc giáo sư Nguyễn Chính Kết đại diện cho LMDCNQ VN ra nước ngoài để vận động đồng bào hải ngoại, chính phủ các nước và tổ chức quốc tế ủng hộ cho Liên Minh là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, cá nhân tôi ủng hộ việc làm của giáo sư Nguyễn Chính Kết.
Anh Hoàng Hà: Sau những nhận định về cả hai phía : đảng cộng sản VN và phong trào đầu tranh cho dân chủ tại VN mà LS vừa đưa ra, xin LS cho thính giả của đài biết nhãn quan của LS đối với tình hình đất nước trong năm 2007 ra sao.
Luật sư Đài: Trong năm 2007, các tổ chức, đảng phái chính trị, tổ chức bảo vệ nhân quyền ở trong nước sẽ phải di vào hoạt động thực chất trong việc xây dựng tổ chức, phát triển phong trào. Có rất nhiều tín hiệu khả quan cho sự phát triển của phong trào, chúng tôi có những kênh thăm dò dư luận xã hội khác nhau, và kết quả cho thấy sự ủng hộ của mọi từng lớp nhân dân với tiến trình dân chủ hoá đất nước là rất tích cực, ngày càng có nhiều bạn trẻ liên hệ với chúng tôi và gia nhập phong trào, trong đó có nhiều người đang làm việc trong chính quyền và bộ máy của đảng cộng sản. Chúng tôi hết sức lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển của phong trào DC trong năm 2007.
Anh Hoàng Hà: Và sau cùng mời LS có một kết cho buổi thảo luận hôm nay trước khi chúng ta chào tạm biệt quý thính giả của đài
Luật sư Đài: Tôi chân thành cảm ơn anh Hoàng Hà và đài Tiếng nước tôi đã cho tôi cơ hội được tham gia chương trình ngày hôm nay, cảm ơn quí thính giả đã theo dõi câu chuyện của chúng tôi. Nhân dịp năm mới 2007 và Xuân Đinh Hợi đang đến gần, tôi xin kính chúc quí vị thính giả trong nước và đồng bào hải ngoại một năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của đồng bào hải ngoại trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại VN. Xin tạm biệt và gặp quí thính giả vào một dịp khác.